Tăng trưởng kinh tế: Niềm tin từ những con số 'biết nói'

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Thái Nguyên vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, với một số chỉ tiêu đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Năm 2023, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác ước đạt 22,6 tỷ USD, chiếm 91,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại xuất khẩu tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, những khó khăn, thách thức đã xuất hiện và ít nhiều kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, khối doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm, số lượng đơn hàng giảm, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tại các kỳ họp chuyên đề, thường kỳ trong năm, một số đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn, thách thức và trăn trở về tính khả thi trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 đã được quyết nghị trước đó. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thái Nguyên thống nhất cao không điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, không đề xuất điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu mà quyết tâm thực hiện đến cùng.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chung sức, đồng lòng và huy động mọi nguồn lực, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Dù kết quả chưa cao như kỳ vọng nhưng đây là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; sẵn sàng nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân khách quan, chủ quan trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn trong năm 2024.

Tháng 11-2023, ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng 16,5%. Trong ảnh: Vận hành sản xuất tại Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, vào sáng ngày 6-12, tỉnh Thái Nguyên đã công bố kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu trong năm 2023. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt trên 5%. Tuy không đạt kế hoạch đề ra (8,5%) nhưng tiếp tục tăng trưởng dương, thuộc tốp các địa phương có mức tăng trưởng trung bình khá của cả nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Mức tăng trưởng dự ước đạt trên 5% tiếp tục khẳng định Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng kinh tế so với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc.

Về chỉ tiêu thu ngân sách, dự ước năm 2023 tỉnh đạt số thu 20.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2022 và là số thu đạt cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, Thái Nguyên chính thức lọt tốp 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi. Con số này cũng cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế và khả năng vượt qua khó khăn thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách địa phương.

Về thu nhập bình quân đầu người (GRDP), dự ước năm 2023 toàn tỉnh đạt 113 triệu đồng/người/năm. Mặc dù chưa đạt so với kế hoạch đề ra (115 triệu đồng) nhưng so với năm 2022, chỉ tiêu này đã tăng 6 triệu đồng, so với năm 2021 tăng 18 triệu đồng. Kết quả này đã đưa Thái Nguyên nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện khá của cả nước và là tỉnh dẫn đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, như: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,04% (kế hoạch là 3,5%); số địa phương cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đạt 2 (kế hoạch 1); số trường đạt chuẩn quốc gia đạt 88,5% (kế hoạch 87,5%)…

Nhìn chung, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đã có nhiều gam màu tươi sáng từ những con số dự ước. Điều đó phản ánh hiện thực khách quan, sự quyết tâm cao, đồng thuận lớn và hiệu quả chỉ đạo, điều hành tại địa phương. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức thì những kết quả đạt được càng có ý nghĩa, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất cao và là nền tảng vững chắc để Thái Nguyên hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tạo đà tăng trưởng trong năm 2024.

Mục tiêu đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2024 là một thách thức, song những thành tựu của năm 2023 chắc chắn sẽ củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh để tạo ra những đột phá mới, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202312/tang-truong-kinh-te-niem-tin-tu-nhung-con-so-biet-noi-69a0836/