Tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số của ASEAN phụ thuộc vào việc nâng cao kỹ năng

Theo ông Rich Lesser, Chủ tịch toàn cầu của Công ty tư vấn Boston Consulting Group của Hoa Kỳ, các quốc gia Đông Nam Á đang trên đà gặt hái vận may kinh tế kỹ thuật số, nhưng con đường dẫn đến sự giàu có lại phụ thuộc vào việc nâng cao tay nghề của lực lượng lao động trong khu vực.

Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) dự báo giá trị của các ngành công nghiệp kỹ thuật số trong khu vực, chẳng hạn như thương mại điện tử, sẽ tăng từ con số 300 tỷ USD hiện tại lên 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. “Nếu có nền tảng phù hợp, con số đó có thể tăng gấp đôi lên 2 nghìn tỷ USD", ông Lesser trả lời phỏng vấn Nikkei Asia tại Bangkok gần đây.

Ông nói thêm, quá trình chuyển đổi số hóa này sẽ định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp, từ các lĩnh vực công nghệ như phần mềm, viễn thông và trí tuệ nhân tạo đến những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nông nghiệp. Lesser nói: “Nó sẽ mang tính biến đổi rất lớn đối với các công ty, nhằm thúc đẩy năng suất và mở ra những nguồn tăng trưởng mới”.

Lesser gợi ý khu vực này phải ưu tiên xây dựng “nguồn nhân lực một cách có ý nghĩa” để khai thác tiềm năng tăng trưởng kỹ thuật số. Ông nói: “Việc đào tạo lại kỹ năng không chỉ để mọi người làm việc về phần cứng, phần mềm, công ty viễn thông mà còn để nhân viên y tế biết cách sử dụng công nghệ hoặc công nghệ nông nghiệp để giúp nông dân sử dụng những công nghệ này. ASEAN, giống như các khu vực khác trên thế giới, sẽ phải đầu tư để nâng cao và đào tạo lại các thế hệ lao động hiện tại, đồng thời cung cấp các hình thức học tập và phát triển kỹ năng khác nhau cho những người trẻ tuổi để giúp họ chuẩn bị sẵn sàng."

Lesser lưu ý các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã thảo luận ở Philippines và Thái Lan về những điểm này, lĩnh vực Hoa Kỳ có thể đề nghị trợ giúp bằng cách đưa một số cơ sở giáo dục và các trường đại học của mình vào để cung cấp khả năng đào tạo lại kỹ năng.

Rich Lesser đề xuất ASEAN ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực “một cách có ý nghĩa” để khai thác tiềm năng tăng trưởng kỹ thuật số. (Ảnh của Hiroki Endo)

Một loạt báo cáo đã chỉ ra khoảng cách kỹ năng kỹ thuật số cần được thu hẹp. Báo cáo Chỉ số hội nhập kỹ thuật số ASEAN 2021 do khối này công bố lưu ý Đông Nam Á có điểm kỹ năng và tài năng kỹ thuật số thấp. Báo cáo của UNICEF năm 2021 về trình độ hiểu biết về kỹ thuật số trong các hệ thống giáo dục trên khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tiết lộ "phần lớn thanh niên ở ASEAN có trình độ hiểu biết về kỹ thuật số ở mức vừa phải, nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt lớn giữa từng quốc gia".

Theo Lesser, việc mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số trong ASEAN sẽ nâng cao vị thế của khối trong nền kinh tế toàn cầu trong 10 năm tới. “Nó hiện là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng với Trung Quốc và là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng với phần còn lại của thế giới, khi các công ty và quốc gia tìm cách quản lý rủi ro và xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng hơn”.

Ông cho rằng ASEAN đã trở nên phù hợp hơn nhờ cách khối này điều hướng sự rạn nứt Mỹ-Trung. Các lợi ích kinh tế và chính trị đối với ASEAN nảy sinh từ vị trí chiến lược của khối, thúc đẩy các nước khác tăng cường quan hệ vì lo ngại “nếu họ không làm, các nước khác sẽ làm như vậy và họ sẽ bị tụt lại phía sau”, Lesser nói thêm. “Vị trí chiến lược bắt nguồn từ khuôn khổ cơ hội và rủi ro… bởi vì trong thế giới đầy cơ hội và rủi ro ngày nay, ASEAN đóng vai trò quan trọng ở cả hai mặt đó.”

(Theo Nikkei Asia)

Tuệ Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tang-truong-kinh-te-ky-thuat-so-cua-asean-phu-thuoc-vao-viec-nang-cao-ky-nang-265067.html