Tăng trưởng ấn tượng của ngành lúa gạo Việt Nam

Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2024 tăng về lượng và giá trị, giúp Việt Nam củng cố vị thế tại các thị trường chủ chốt. Dự báo những tháng còn lại trong năm nay, xuất khẩu gạo còn nhiều cơ hội bởi nhu cầu lớn từ các nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 1/2024, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đạt 2,18 triệu tấn (tăng 17,6% so với cùng kỳ), đạt kim ngạch gần 1,43 tỷ USD (tăng 45,5%), giá trung bình 653,9 USD/tấn. Gạo Việt Nam trong quý 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.

“Trong quý 1, kim ngạch XK gạo của Việt Nam sang các thị trường chính tiếp tục có tín hiệu tốt và ghi nhận tăng trưởng. Philippines tăng 44% (đạt hơn 1 triệu tấn), Indonesia tăng 300% (đạt 445.000 tấn), Malaysia tăng 29%, khu vực Tây Á - châu Phi (tăng 87%)”, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2024 tăng về lượng và giá trị.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: XK gạo sang châu Âu, châu Mỹ trong năm 2023 chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhưng 3 tháng đầu năm nay, có sự tăng đột biến. XK sang khu vực này đạt hơn 181.000 tấn, trị giá 135,9 triệu USD, tăng 218,3% so với cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu chính là Pháp, Đức, Hà Lan, Cu Ba, Mỹ, Brazil…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng XK gạo vẫn còn nhiều tiềm ẩn thách thức. Đó là chiến lược đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp (DN) vẫn còn hạn chế, thị trường XK gạo có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng.

Ông Nguyễn Phúc Nam nhận định giá gạo XK tiếp tục ở mức cao, thuận lợi cho Việt Nam do các nước sản xuất, XK gạo lớn đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng El Nino. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong niên vụ 2023-2024, sản lượng gạo toàn cầu sẽ ở mức hơn 515 triệu tấn, trong khi nhu cầu là hơn 521 triệu tấn, lượng gạo thiếu hụt khoảng 6 triệu tấn. Ấn Độ, Trung Quốc đều giảm sản lượng, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu XK gạo trong năm nay là 7,5 triệu tấn (giảm 14% so với năm 2023). Như vậy, XK gạo của nước ta còn nhiều cơ hội. Đối với thị trường Philippines, nhiều DN gạo của Việt Nam đã tạo được uy tín, lòng tin và có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của nước này. Đây là lợi thế mà DN cần duy trì và phát huy.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, tổng lượng gạo hạn ngạch mà Chính phủ Indonesia quyết định nhập khẩu trong năm là 3,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu. Riêng Trung Quốc có xu hướng quay trở lại nhập khẩu gạo nhiều hơn từ các nước Đông Nam Á.

Ông Tạ Hoàng Linh cũng chỉ ra tại châu Âu, Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước XK gạo vào thị trường này. Đây là thị trường tiềm năng nhưng rất khắt khe và khó tính, nhất là đối với sản phẩm nông sản. Nhìn chung, gạo Việt Nam khó cạnh tranh về giá và mẫu mã với các đối thủ chính ở các phân khúc phổ thông, trước những quốc gia đã có mặt ở thị trường này từ rất lâu và chiếm thị phần lớn như Thái Lan và Ấn Độ.

Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ khuyến cáo cần tập trung XK gạo sang 2 khu vực này ở phân khúc gạo cao cấp, các loại gạo thơm, giá trị cao, đặc sản, đặc trưng có thương hiệu Việt Nam (như ST24, ST25). Đồng thời, phát triển các sản phẩm chế biến làm từ gạo như phở, bún, bánh đa,… sẽ có thể mang lại hiệu quả và tiềm năng to lớn.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/tang-truong-an-tuong-cua-nganh-lua-gao-viet-nam-i730515/