Tăng trần giá vé máy bay nội địa, du lịch lo thất thu

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là tới dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - thời điểm đánh dấu khởi đầu của mùa cao điểm du lịch hè 2024. Tuy nhiên, việc ngành hàng không Việt Nam tăng trần giá vé máy bay nội địa đã và đang đặt ra không ít thách thức cho ngành du lịch.

Tăng trần giá vé máy bay giúp hàng không bù đắp phần nào chi phí

Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.

Trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với quy định cũ tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/chiều). Đối với đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/chiều).

Chính thức từ ngày 1/3/2023, điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay nội địa. Ảnh minh họa

Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/chiều). Đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé,...

Hiện tại các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa phù hợp với nhu cầu của hành khách và nằm trong khung giá quy định.

So sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực thì mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Ví dụ như chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, mức giá/km cao nhất quy định chỉ khoảng 0.11 USD/km. Trong khi chặng bay Bangkok đi Chiangmai mức giá/km cao nhất của Thai Airways là 0.22 USD/km (cao gấp 2 lần so với Việt Nam).

Chặng bay Bắc Kinh - Thượng Hải của Air China là 0.27 USD/km, chặng bay Pusan - Jeju của Asiana Airlines ở mức 0.32 USD/km,...

Đồng thời giá vé máy bay đi lại cũng phụ thuộc vào quy luật cung/cầu. Vào những dịp cao điểm, các khung giờ bay đẹp thường có nhu cầu cao và hết chỗ sớm hơn so các ngày cận cao điểm hoặc trên chuyến bay khung giờ sáng sớm, chiều muộn và giá vé đương nhiên cũng sẽ cao hơn.

Thực tế vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính chất đặc thù chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít khách hoặc thậm chí không có. Giá vé áp dụng vào thời điểm này cũng phần nào giúp các hãng hàng không lấy chi phí thu một chiều, bù đắp cho chặng bay cả hai chiều nhưng vẫn không cao hơn giá trần quy định.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đánh giá, phải sau 10 năm, đây là lần đầu tiên ngành hàng không điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa. Với thời gian này, đã có nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không thay đổi.

Đặc biệt là giá nhiên liệu, các yếu tố về tỷ giá - ngành hàng không sử dụng đồng USD phần lớn trong cơ cấu chi phí, do đó việc điều chỉnh giá trần vé máy bay là hợp lý cho các đơn vị khai thác hàng không.

Thách thức lớn với du lịch nội địa

Việc tăng trần giá vé máy bay được cho là sẽ giúp hàng không bù đắp phần nào chi phí. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lữ hành du lịch cũng không khỏi lo lắng khi giá vé máy bay hiện chiếm 40 - 60% cơ cấu giá tour du lịch sẽ chịu tác động lớn, nhất là khi mùa cao điểm du lịch hè 2024 đã cận kề.

Giá vé máy bay tăng cao buộc các công ty du lịch phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa 10 - 20% làm giảm sức hút của thị trường, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt trong việc thu hút khách quốc tế.

Ngành du lịch lo ngại sẽ chịu nhiều tác động từ việc tăng giá trần vé máy bay nội địa. Ảnh: TL

Theo Tổng Giám đốc Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, khách du lịch thuộc nhóm đối tượng “nhạy cảm về giá”, điều này thể hiện rõ qua tình trạng “khan khách” của du lịch Phú Quốc và nhiều điểm đến nội địa trong suốt những kỳ nghỉ lễ, Tết của năm 2023. Hiện tượng này có thể tái diễn trong năm 2024 sau khi giá vé máy bay tăng.

Trao đổi với PV, đại diện một đơn vị lữ hành du lịch có trụ sở tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) cho rằng, giá vé máy bay vào các thời điểm lễ, Tết đã xảy ra nhiều lần. Điển hình như nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái, vé máy bay nhiều chặng bay như Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Đà Nẵng lên tới cả chục triệu đồng/vé khứ hồi.

Chỉ khi sát ngày lễ, giá vé máy bay hạ nhiệt, người dân mới bắt đầu rục rịch chọn điểm đến, khách sạn... để đi chơi. Điều này cho thấy, giá vé máy bay có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu du lịch của người dân.

Nhiều ý kiến cũng khẳng định, ảnh hưởng của việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ 1/3 chưa nhìn thấy rõ vì nhu cầu hiện tại không cao. Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi nhu cầu mua vé máy bay du lịch tăng, biến động do tăng trần vé máy bay mới thể hiện rõ.

Dù giá vé máy bay lẻ dịp 30/4 - 1/5 giai đoạn này vẫn tốt nhưng không nhiều công ty du lịch dám “ôm vé”. Lý do là mức giá tốt chỉ đúng với trường hợp khách lẻ, ít người. Nếu “ôm” series lớn, dải vé rộng, mức giá trung bình có thể cao hơn.

Trong trường hợp giá thấp hơn, công ty vẫn đối mặt rủi ro vì series sẽ theo một giờ bay cố định. Công ty lữ hành buộc phải tìm đủ số khách có nhu cầu bay đúng thời gian đó, trong khi khách nội địa đa dạng nhu cầu.

Về phía khách hàng, chị Bích Vân (trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) chia sẻ, thời buổi kinh tế khó khăn, mọi người ai cũng chi tiêu tiết kiệm hơn. Nếu giá vé máy bay tăng, dù là vài trăm nghìn đồng cũng sẽ khiến mọi người cân nhắc.

Bản thân gia đình chị vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2023 cũng đã lên kế hoạch du lịch Phú Quốc. Nhưng khi khảo sát qua một số website bán vé chặng Hà Nội - Phú Quốc lên tới gần 10 triệu đồng cho 1 vé khứ hồi. Trong khi đó giá vé bay đi tour du lịch nước ngoài như Thái Lan chỉ khoảng 6 - 8 triệu nên gia đình đã quyết định lựa chọn du lịch nước ngoài.

Số liệu thống kê giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ghi nhận lần đầu tiên sau đại dịch COVID-19, lượng khách quốc nội qua sân bay Tân Sơn Nhất mùa cao điểm Tết Nguyên đán giảm khá mạnh; gần 11,15%.

Khi giá vé máy bay tăng thì hình thức du lịch trong cự ly gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao. Chưa kể, dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp đến, giá vé máy bay tăng cao khiến người dân chần chừ quyết định đi du lịch.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-tran-gia-ve-may-bay-noi-dia-du-lich-lo-that-thu-post287023.html