Tăng tốc xây dựng huyện nông thôn mới

Huyện Thới Bình phấn đấu đến cuối năm nay có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, đạt chuẩn huyện NTM. Bên cạnh đó, các xã được khắc phục, củng cố đạt tiêu chí NTM bị rớt chuẩn, đạt 19/19 tiêu chí/xã. Ðể hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, địa phương dự kiến cần nguồn vốn hơn 426 tỷ đồng.

Còn nhiều khó khăn

Ðến năm 2021, huyện Thới Bình có 11/11 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua rà soát đến tháng 3/2024, đánh giá kết quả thực hiện theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, toàn huyện đạt bình quân 12,81 tiêu chí/xã. Trong đó, 1 xã đạt 16/19 tiêu chí (Trí Phải); 1 xã đạt 15/19 tiêu chí (Tân Lộc); 2 xã đạt 14/19 tiêu chí (Tân Lộc Ðông và Trí Lực); 3 xã đạt 13/19 tiêu chí (Thới Bình, Biển Bạch Ðông, Tân Bằng); 1 xã đạt 12/19 tiêu chí (Biển Bạch); 1 xã đạt 11/19 tiêu chí (Tân Lộc Bắc); 2 xã đạt 10/19 tiêu chí (Hồ Thị Kỷ và Tân Phú).

Ðối với xây dựng NTM nâng cao, đến cuối năm 2023, huyện không có xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo kế hoạch (mục tiêu phấn đấu có 2 xã đạt là Trí Lực và Trí Phải); qua kết quả rà soát đến tháng 3/2024, bình quân đạt 6,45 tiêu chí/xã. Trong xây dựng huyện NTM, qua kết quả rà soát, toàn huyện đạt 3/9 tiêu chí, gồm: quy hoạch; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện.

Huyện Thới Bình phấn đấu trong năm 2024 ổn định diện tích nuôi thủy sản đạt 50.577 ha.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, công tác xây dựng NTM tại địa phương thời gian qua gặp không ít khó khăn. Tuy là năm thứ 3 triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025, nhưng một số địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí mới. Ðặc biệt, do có nhiều nội dung, tiêu chí mới, với yêu cầu cao hơn, dẫn đến tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có tiêu chí bị thiếu, rớt chuẩn; trong đó tập trung ở một số tiêu chí như: quy hoạch, giao thông, thông tin và truyền thông, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường.

Cùng với đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp xã ở một số nơi chưa sâu sát; Ban Chỉ đạo NTM xã một số nơi còn lúng túng, xây dựng, phê duyệt kế hoạch chưa sát điều kiện, mục tiêu để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Một bộ phận nhỏ người dân còn thờ ơ, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế cho thấy chưa có nhiều mô hình NTM thực sự tiêu biểu, nổi trội để triển khai học tập, nhân rộng.

Song song với lợi thế sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, huyện mời gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế, mở ra nhiều vận hội mới cho con tôm tại địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chương trình lớn, bao trùm tất cả các lĩnh vực phát triển của xã hội thuộc địa bàn nông thôn, nhiều nội dung toàn diện, tổng hợp và thực hiện trong thời gian dài, liên tục, nhưng đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, đa số kiêm nhiệm, thường xuyên có sự luân chuyển công tác nên khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; một số phòng, ban, ngành huyện chưa thực sự chủ động trong quá trình hướng dẫn, hỗ trợ xã thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực phụ trách; công tác chỉ đạo, theo dõi địa bàn, kiểm tra, giám sát của một số cơ quan, đơn vị được phân công chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Tạo sự đồng lòng, đồng thuận

Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, cho biết: "Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của giai đoạn 2021-2025 đã được xác định trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đầu nhiệm kỳ".

Nhằm chủ động triển khai thực hiện Chương trình năm 2024 trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình thực tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện xây dựng nhiều giải pháp quan trọng, bám sát thực tế trong xây dựng NTM tại địa phương.

Lộ nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế. (Ảnh chụp tại ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ).

Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây dựng NTM phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, chuyển mạnh vào chiều sâu, bền vững; phát huy cao sự chủ động, sáng tạo của người dân. Trọng tâm hướng đến nâng cao nhanh đời sống vật chất và tinh thần người dân.

Cùng với đó, tập trung thực hiện các chương trình chuyên đề để có sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả...

Quan tâm chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM phải đảm bảo duy trì chuẩn theo Bộ tiêu chí mới, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, để đảm bảo tính liên tục, bền vững. Năm 2024 là năm tăng tốc nên phải bám sát vào yêu cầu, nội dung nhiệm vụ của Chương trình, Bộ tiêu chí giai đoạn mới, để chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tạo bứt phá.

Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thì việc đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng lòng, đồng thuận, huy động sức dân trong xây dựng NTM được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

12/12 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ, đạt 100%. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Tân bằng, xã Tân Bằng).

Theo ông Huỳnh Quốc Hoàng, đối với nhóm nhiệm vụ này, thời gian tới đây, địa phương sẽ tập trung hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó đổi mới cách tuyên truyền cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Chú trọng giải pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cấp xã, ấp và mọi tầng lớp Nhân dân cùng vào cuộc thực hiện các mục tiêu Chương trình đề ra. Ngoài ra, chú trọng truyền thông về cơ chế, chính sách, quy định trong xây dựng NTM. Quá trình xây dựng NTM cần gắn chặt với thực hiện các phong trào, cuộc vận động để tạo sức lan tỏa rộng trên địa bàn, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc, ấp đặc biệt khó khăn... để người dân cùng đồng thuận.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Thới Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở chủ trì, cùng các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng NTM, nhằm thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm để tuyên truyền, vận động và chỉ đạo xây dựng NTM “Từ nhà ra ngõ, từ ấp lên xã, từ xã lên huyện”. Trong vấn đề này, cần xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong quyết định các nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Theo ngành nông nghiệp địa phương, thời gian tới sẽ đẩy mạnh năng lực dự báo, hỗ trợ người dân tiếp cận lịch thời vụ, hạn chế rủi ro trong sản xuất.

“Trong xây dựng NTM, địa phương cũng xác định rất rõ là, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực hợp pháp để tập trung xây dựng NTM nhưng không huy động quá sức dân. Quan tâm hơn việc huy động con em là người địa phương thành đạt, đang sinh sống và làm việc trong và ngoài huyện hướng về quê hương, cùng tham gia xây dựng NTM. Quá trình thực hiện các công trình, dự án xây dựng NTM phải phát huy vai trò giám sát của người dân, thông qua Tổ giám sát cộng đồng”, ông Huỳnh Quốc Hoàng cho biết thêm./.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tang-toc-xay-dung-huyen-nong-thon-moi-a32261.html