Tăng sức hút của Chương trình OCOP đối với các làng nghề

Việc tham gia vào chương trình OCOP không chỉ giúp các làng nghề nâng tầm giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững. Tuy vậy, cho đến nay, số lượng sản phẩm OCOP của các làng nghề trên địa bàn tỉnh còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng.

Cao rắn gia truyền Tiến Sỹ của hộ sản xuất Nguyễn Tiến Sỹ, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) là sản phẩm làng nghề đầu tiên của tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 20 làng nghề truyền thống. Vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, 2 năm trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh của các làng nghề đã có dấu hiệu tích cực, hoạt động sản xuất dần sôi động, liên tục. Năm 2022, doanh thu của các làng nghề đạt trên 3,6 nghìn tỷ đồng.

Với sự năng động của các làng nghề, cùng những hỗ trợ thiết thực của tỉnh trong chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, các làng nghề đã dần khẳng định uy tín, tên tuổi của mình trên thị trường. Các sản phẩm làng nghề ngày một đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã, chất lượng tốt. Nhiều sản phẩm đã chiếm được trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tiềm năng là vậy, song sản phẩm của các làng nghề tham gia vào Chương trình OCOP vẫn còn rất ít. Được biết, sau hơn 4 năm triển khai chương trình, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 105 sản phẩm được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP với 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao và 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, trong số 29 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, hiện mới chỉ có duy nhất 1 sản phẩm của 1 hộ sản xuất tại làng nghề rắn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường được đánh giá phân hạng đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Phùng Xuân Tiến, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh cho biết: “Mặc dù tỉnh đã có 29 làng nghề được công nhận, song nhóm ngành nghề không đa dạng, chủ yếu là nghề mộc (13 làng nghề), mây tre đan (4 làng nghề), nuôi và chế biến rắn (3 làng nghề)…

Trong đó, nhiều sản phẩm làng nghề không thuộc đối tượng tham gia của chương trình như các sản phẩm của làng nghề chế biến tơ nhựa, chế biến bông vải, cơ khí, vận tải thủy…”.

Một số sản phẩm làng nghề phù hợp với quy định của chương trình thì có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của ở nhiều địa phương chưa thật sự sát sao. Các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) trong các làng nghề mới bước đầu tiếp cận với các nội dung, cách thức triển khai của chương trình; chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình nên chưa đăng ký tham gia.

Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể trong các làng nghề phát huy những giá trị truyền thống của địa phương, tiếp cận với các hỗ trợ của tỉnh trong việc quảng bá, giới thiệu; thúc đẩy đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu phát triển mới từ 70 - 80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên. Bên cạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, giai đoạn này tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương trong đó có sản phẩm mây tre đan ở Sông Lô, đồ gỗ mỹ nghệ trang trí ở Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên; cao rắn, rượu rắn ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường).

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã giao UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân và các chủ thể OCOP trên địa bàn xã về Chương trình OCOP; rà soát các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn xã và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Đồng thời, chủ trì tổ chức, phối hợp với cơ quan quản lý OCOP cấp huyện, tổ chức, chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP để hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm đăng ký; xây dựng kế hoạch về ý tưởng, sản phẩm của cấp xã.

Hiện, tỉnh đang xây dựng dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 để thay thế cho Quyết định số 53 ngày 10/9/2021 quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, ngoài các hỗ trợ về máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ mới, chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thiết lập mã truy xuất nguồn gốc, chi phí thiết kế mẫu mã sản phẩm; tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, dự kiến trong giai đoạn này, tỉnh sẽ có thêm hỗ trợ kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và chi thưởng cho mỗi sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên để khuyến khích các chủ thể trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các làng nghề nói riêng tham gia vào Chương trình OCOP.

Bài, ảnh: Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95013//tang-suc-hut-cua-chuong-trinh-ocop-doi-voi-cac-lang-nghe