Tăng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế nội địa

Xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, trong điều kiện xuất khẩu chưa vượt qua khỏi khó khăn cần chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa bởi đây là thị trường rất quan trọng.

Các dự báo của nhiều định chế quốc tế gần đây cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong bối cảnh đó, vẫn có những dự báo trái chiều về kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây thậm chí còn cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ chỉ đạt khoảng 2,9%, thấp hơn mức 3% của năm nay.

Nền kinh tế nước ta vì thế tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm. 3 trong số 5 nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng giảm là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này khả năng sẽ tiếp tục ảnh hướng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Công Hùng

“Bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới không mấy sáng sủa, hiện vẫn còn nhiều dự báo khác nhau đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước lớn. Bối cảnh kinh tế năm 2024 sẽ khác với năm 2023, Việt Nam đã định hình rõ những yếu tố là lợi thế, của mình.

"Chúng ta phải dựa nhiều hơn vào thị trường bên trong, xác định đẩy mạnh đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh làm nền tảng cho tăng trưởng" - PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá.

“Tới đây phải làm sao để tăng khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam, coi đây là một phần của chính sách, tránh hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài” - TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh. Theo ông, xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, nhưng rõ ràng cần chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa bởi đây là thị trường rất quan trọng.

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ thêm, thị trường 100 triệu dân của ta không nhỏ, lại thuộc loại tăng trưởng cao trên thế giới. Điều này khiến quy mô thị trường nội địa rất đáng kể. Đây là thị trường chiến lược cho đất nước. Phải củng cố thị trường nội địa vì đây là khu vực thị trường trọng yếu cho tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, giải quyết thị trường nội địa cần hỗ trợ cho DN

Việt Nam, đây là điểm tất yếu, nếu xử lý được, cùng với đầu tư công sẽ củng cố nền tảng kinh tế Việt Nam vững chắc hơn.

Cuối năm 2023 đầu năm 2024, lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 được đưa vào nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả, tác động lên thị trường lớn. Chưa kể, năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm 2023.

Theo các chuyên gia, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kích cầu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh rất quan trọng. Những gói kích cầu đầu tư, hỗ trợ tín dụng hay việc giảm thuế phí, trong đó có kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% là những chính sách cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.

Các bộ, ngành, DN cần “bắt tay” để kích cầu tiêu dùng như: đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”; các hoạt động quảng bá du lịch được đẩy mạnh…

“Các giải pháp không phải chỉ là giảm giá thông thường mà phải có những giải pháp mạnh như có các phiếu mua hàng cho người dân để kích thích tiêu dùng, giúp thị trường nội địa sống động lên, tạo nên khí thế mới, niềm tin mới và giúp DN Việt Nam vực dậy sản xuất” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-suc-canh-tranh-cho-khu-vuc-kinh-te-noi-dia.html