Tăng Ni, Phật tử sát cánh vì sức khỏe cộng đồng

Phật giáo Việt Nam ngày nay đã và đang trở thành một nhân tố tác động mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Trong đó phải kể đến vai trò của Phật giáo đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, tín đồ các tôn giáo tại nhiều địa phương trong cả nước đã và đang có nhiều đóng góp to lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều này khẳng định rõ hơn tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo trước những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Mở các Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh miễn phí

Châm cứu cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, TP. Huế

Nói về công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, không thể không đề cập đến hoạt động thăm khám, cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí tại các Tuệ Tĩnh đường, phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng Tây y tại các cơ sở Phật giáo. Ở một số điểm chùa trở thành nơi khám, chữa bệnh cho nhân dân và các vị tu sĩ cùng sự góp sức của các Phật tử có chuyên môn là những người trực tiếp khám, chữa trị cho bệnh nhân. Có những cơ sở khám bệnh còn có khu lưu trú để các bệnh nhân ở xa hoặc cần trị liệu dài ngày có thể nghỉ lại, an tâm điều trị bệnh.

Theo số liệu của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ III của Giáo hội, toàn quốc có 25 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, đã khám và phát thuốc cho rất nhiều bệnh nhân… nhưng đến nhiệm kỳ IV, toàn quốc đã có 126 cơ sở Tuệ Tĩnh đường.

Những số liệu có thể là khô khan nhưng qua đó lại cảm nhận được tấm lòng của các Tăng Ni, Phật tử mang tình thương, sự hiểu biết và khả năng của mình để tham gia cống hiến vì sức khỏe của người dân, vì lợi ích của xã hội.

Tham gia vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân

Phật giáo đã có hoạt động cụ thể, thể hiện tinh thần cứu độ nhân sinh, cuộc sống tốt đời đẹp đạo của các vị tu sĩ. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các tỉnh thành trong cả nước, các Phật tử, đặc biệt là các vị tu sĩ trẻ đã đến các khu điều trị, khu cách ly tập trung để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân.

Sự kiện các tu sĩ Phật giáo "cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng", xung phong lên tuyến đầu tham gia vào công tác hỗ trợ điều trị và chăm sóc người nhiễm COVID-19 đã trở thành một hình ảnh ấn tượng, truyền năng lượng tích cực, bình an đến với cộng đồng nhất là đối với những bệnh nhân đang nhiễm bệnh.

Triển khai các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ y tế

Thượng tọa Thích Nhật Từ (thứ 4 từ phải sang) tặng vật tư y tế cho Bệnh viện dã chiến số 3, thành phố Thủ Đức (TP.HCM)

Nhiều hoạt động hỗ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ y tế đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên truyền, thực hiện tích cực bằng những việc làm cụ thể trong suốt thời gian qua. Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN TP. Hồ Chí Minh cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) đã vận động, kết nối các chi hội từ thiện của tổ chức, cá nhân, các Phật tử để khởi động chương trình Bếp ăn thiện nguyện, mỗi ngày chư tăng, phật tử tại chùa Vĩnh Nghiêm đã cung cấp hơn 10.000 suất ăn đến các bệnh viện. Ngoài ra, Ban Trị sự tại các tỉnh thành đã hợp sức, vận động các Phật tử, người dân hỗ trợ nông sản, nhu yếu phẩm, rau củ, để gửi về vùng dịch...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ đóng góp cho các Quỹ Phòng, chống COVID-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quỹ vaccine của Chính phủ; Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố.

Rất nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực đã được Phật giáo triển khai, hoạt động mạnh mẽ và tích cực, kịp thời đáp ứng với từng thời điểm cụ thể, giúp cho xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn, thể hiện trách nhiệm, tinh thần nhân đạo vì sức khỏe cộng đồng của những của Tăng Ni, Phật tử.

Vận động và tham gia hiến máu, mô tạng, cơ thể cho y học

Hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn dân hiến máu" của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên truyền vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia hiến máu tình nguyện. Một số chùa đã vận động và tạo điều kiện cho các hoạt động này bằng cách mở cổng thông tin để đăng ký và chùa là địa điểm để tổ chức. Chùa Giác Ngộ (quận 10) trong năm 2021 đã tổ chức 10 đợt hiến máu nhân đạo, với số lượng tham dự mỗi đợt trên dưới 500 người và có đợt lên đến 1.000 người. Nhất là giai đoạn gần cuối năm 2021, lượng máu trong ngân hàng máu ở TP. HCM rơi vào tình trạng thiếu hụt, Phật giáo đã nhanh chóng tổ chức "Ngày hội hiến máu" tại các trụ sở Ban Trị sự, các trường Phật học, các chùa thu hút nhiều Phật tử và lực lượng Tăng Ni tham gia.

Bên cạnh nhu cầu về máu để phục vụ cho cấp cứu và điều trị thì việc cấy ghép mô tạng, phục hồi chức năng của các bệnh nhân cũng là một nhu cầu rất lớn. Đối với việc hiến mô tạng, hiến xác cho khoa học, Phật giáo cũng đã có những đóng góp không nhỏ. Qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động số lượng Tăng Ni, Phật tử đăng ký hiến mô tạng, cơ thể cho y học đã có sự gia tăng.

Bảo Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-ni-phat-tu-sat-canh-vi-suc-khoe-cong-dong-169230823214155217.htm