Tăng lương tối thiểu vùng năm 2024: Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động

BẮC GIANG -Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 sau khi Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện. Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn song mức khuyến nghị điều chỉnh của Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra được xem là phù hợp vào thời điểm này, góp phần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN) và phần nào cải thiện đời sống người lao động (NLĐ).

Đồng thuận với mức tăng 6%

Sau nhiều phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu 6% (tương ứng tăng từ 200-280 nghìn đồng/tháng) so với mức hiện hành; thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2024. Theo đó, vùng I tăng từ 4,68 lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 4,16 lên 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,64 lên 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng từ 3,25 lên 3,45 triệu đồng/tháng.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH GU Vina (KCN Đình Trám, thị xã Việt Yên).

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH GU Vina (KCN Đình Trám, thị xã Việt Yên).

Tại tỉnh Bắc Giang, lương tối thiểu vùng đang được áp dụng ở vùng III (mức 3,64 triệu đồng/tháng) gồm TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang; các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế thuộc vùng 4 (mức 3,25 triệu đồng/tháng).

Tại Bắc Giang, lương tối thiểu vùng đang được áp dụng ở vùng III (mức 3,64 triệu đồng/tháng) gồm TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang; các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế thuộc vùng 4 (mức 3,25 triệu đồng/tháng).

Khảo sát tại một số DN và ý kiến của nhiều lao động, trong bối cảnh khó khăn chung do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mức đề xuất tăng hiện nay cơ bản được đồng thuận. Là DN 100% vốn Hàn Quốc đi vào sản xuất từ năm 2014, Công ty TNHH GU Vina (Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám, thị xã Việt Yên) hiện tạo việc làm ổn định cho 400 lao động với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Cũng như nhiều DN khác trên địa bàn, đơn vị trải qua thời gian khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, duy trì việc làm, ổn định thu nhập cho NLĐ.

“Thực tế, dựa trên doanh thu ổn định, chúng tôi đang chi trả cho mỗi công nhân mức lương cơ bản là 4,1 triệu đồng/tháng, đã vượt xa mức lương tối thiểu vùng 2023 quy định thuộc vùng III. Vì vậy, việc điều chỉnh tới đây không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất của đơn vị. Tuy nhiên, điều này chỉ có tính thời điểm bởi DN cũng cần tính đến những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình hoạt động. Mức khuyến nghị tăng sắp tới là phù hợp để chúng tôi dễ dàng cân đối trả lương trong mọi tình huống, vẫn bảo đảm đời sống NLĐ mà không vi phạm quy định mới”, bà Thúy nói.

Quê ở tỉnh Phú Thọ, chị Nguyễn Thị Liệu (SN 1983) và chồng xuống Bắc Giang làm việc đã gần 7 năm. Để trang trải cuộc sống, có tiền gửi về quê nuôi 3 con nhỏ, anh chị cố gắng trụ lại trong thời gian ít việc, nghỉ việc luân phiên do dịch bệnh. Hiện chị Liệu đang làm công nhân Công ty TNHH Một thành viên Yamashita Việt Nam, Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng) với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng.

Chị chia sẻ: “Việc điều chỉnh lần này được công đoàn thông tin từ cuối năm 2023 nên chúng tôi đã nắm được. Dù mức tăng không nhiều nhưng nếu công ty thực hiện nghiêm quy định, đồng thời giữ nguyên các khoản phụ cấp (thâm niên, đi lại, nhà ở, điện thoại, ăn ca) thì cũng phần nào giúp cải thiện đời sống công nhân”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 (lần điều chỉnh mới nhất) nêu rõ: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

 Đại diện lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất của DN trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất của DN trên địa bàn.

Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng là quy định bắt buộc, DN không thể không thực hiện.

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng, cơ bản các DN trên địa bàn đang thực hiện nghiêm quy định này, thậm chí nhiều đơn vị đang trả mức cao hơn. Tuy nhiên, trải qua thời gian khó khăn vì dịch bệnh, việc bắt buộc phải tăng lương cho công nhân sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng, dẫn tới nguy cơ cắt giảm các khoản phụ cấp, thưởng của NLĐ.

Vì vậy, ngay khi có nghị định của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, Sở sẽ có công văn triển khai tới các địa phương. Cùng đó, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu DN chủ động xây dựng thang, bảng lương, công khai nội dung chi tiết về điều chỉnh lương tối thiểu; thanh tra, kiểm tra, áp dụng hình thức xử lý nếu DN vi phạm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 652 công đoàn cơ sở trong DN với hơn 244 nghìn đoàn viên tham gia tổ chức. Trong đó, tỷ lệ DN đã thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 100%. Bám sát tình hình, ngay từ đầu năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã thành lập đoàn, có kế hoạch kiểm tra 15 DN về pháp luật nói chung và giám sát chuyên đề 10 DN về hợp đồng lao động, tiền lương.

Đồng thời, ban hành công văn chỉ đạo cán bộ công đoàn cơ sở tập trung nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, nguyện vọng của NLĐ, nhất là ở các đơn vị đông công nhân, đã từng xảy ra tranh chấp lao động. Từ đó, hạn chế, tránh tình trạng DN “lách” luật, cắt bỏ các khoản phụ cấp; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, các cấp, ngành liên quan hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, động viên công nhân gắn bó với nhà máy.

Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, ý nghĩa của việc tăng lương tối thiểu vùng là bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ sát với điều kiện thực tế. Vì vậy, công đoàn và các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng tổng thu nhập của NLĐ.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2024-hai-hoa-loi-ich-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong.bbg