Tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp

Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD), lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế. Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho người dân, DN.

Agribank chi nhánh huyện Lập Thạch luôn tạo điều kiện, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch gửi tiền, vay vốn tại ngân hàng.

Agribank chi nhánh huyện Lập Thạch luôn tạo điều kiện, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch gửi tiền, vay vốn tại ngân hàng.

Vĩnh Phúc hiện có 29 ngân hàng cấp I, 9 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, 94 phòng giao dịch thuộc các chi nhánh TCTD, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 31 Quỹ tín dụng nhân dân cấp cơ sở.

Ước thực hiện đến 30/6/2023, tổng dư nợ cho vay đạt 121.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 86.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay trung – dài hạn đạt 34.500 tỷ đồng.

Cơ cấu dư nợ cho vay tập trung chủ yếu vào các hoạt động SXKD, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 85,8% tổng dư nợ); tỷ lệ cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống và dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong tầm kiểm soát.

Đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, NHNN chi nhánh tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn; đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận vốn ngân hàng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; chương trình phục hồi và phát triển KT - XH; hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022 của Chỉnh phủ.

Tháng 5/2023, NHNN Chi nhánh tỉnh đã có công văn số 410 chỉ đạo các TCTD cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Trong đó, yêu cầu tiết giảm chi phí để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng là người mua nhà và các dự án BĐS đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, có khả năng trả nợ; tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng.

Cùng với thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của NHNN, 6 tháng đầu năm 2023, các TCTD trên địa bàn đã tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển SXKD.

Nhiều ngân hàng thương mại còn áp dụng các chương trình giảm lãi suất hoặc các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn từ 1-3%/năm để giúp các DN, cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Với mong muốn có nhiều khách hàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, được sử dụng các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại, Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi.

Tiểu biểu như cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/2023 của Chính phủ; tín dụng ưu đãi đối với khách hàng DN với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lên tới 2%/năm với khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của DN đề nghị vay vốn.

Hiện nay, hệ thống Agribank cũng dành 15.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay tiêu dùng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với lãi suất ưu đãi...

Đến hết tháng 6/2023, tổng dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc đạt 13.800 tỷ đồng, tổng huy động đạt 11.900 tỷ đồng.

Hiện thực hóa mục tiêu, huy động vốn tăng 12-14%, tín dụng tăng 13-15%, kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ trong năm 2023, NHHN chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và giám sát các ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN.

Kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là khi triển khai thực hiện các chính sách, chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các ngân hàng sẽ tập trung rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định, đảm bảo an toàn vốn vay khi mở rộng tín dụng.

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96798//tang-kha-nang-hap-thu-von-tin-dung-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep