Tăng kết nối, mở rộng phạm vi hoạt động

Cùng với việc tăng cường chất lượng phục vụ, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, mở rộng phạm vi hoạt động của xe buýt đến các khu vực xa trung tâm để thu hút người dân tham gia. Ðây là giải pháp để vừa nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, vừa từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc cho thành phố.

Cùng với việc tăng cường chất lượng phục vụ, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, mở rộng phạm vi hoạt động của xe buýt đến các khu vực xa trung tâm để thu hút người dân tham gia. (Ảnh HÀ THU)

Cùng với việc tăng cường chất lượng phục vụ, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, mở rộng phạm vi hoạt động của xe buýt đến các khu vực xa trung tâm để thu hút người dân tham gia. (Ảnh HÀ THU)

Sau những ngày mưa to vừa qua, chị Trần Thị Hoa ở Ðền Lừ, Hoàng Mai lại càng thấy thích xe buýt hơn vì không còn phải đối mặt với nỗi lo bị ướt và xe máy bị ngập nước. “Ðợt trước dịch Covid-19 căng thẳng, phải đi xe máy từ nhà sang nơi làm việc ở quận Long Biên, tôi mệt quá. Giờ mọi thứ đã ổn định trở lại, tôi lại chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, quen giờ, quen tuyến rồi, thấy tiện lợi lắm”, chị Hoa chia sẻ.

Hút khách trở lại

Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và giảm mạnh, các hoạt động kinh tế-xã hội tại Thủ đô trở lại bình thường, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng của người dân, sinh viên, học sinh cũng tăng theo. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, sản lượng hành khách đi xe buýt liên tục tăng lên qua các tháng đầu năm 2022. Cụ thể, sản lượng hành khách đi xe buýt tháng 2/2022 tăng 94,6% so với tháng 1/2022; sản lượng tháng 3/2022 tăng 38,8% so với tháng 2/2022; sản lượng tháng 4/2022 tăng 49,7% so với tháng 3/2022.

Cùng với đó, sau hơn 5 tháng đi vào vận hành, các tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn Hà Nội cũng đã hoạt động ổn định. Sản lượng hành khách có xu hướng tăng dần, bình quân từ 16 hành khách đến 20 hành khách/lượt. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng khá cao, bình quân đạt hơn 107 hành khách/tháng/tuyến.

“Chất lượng dịch vụ vận tải công cộng trên địa bàn thành phố đã được cải thiện, tăng số lượng tuyến, tăng số lượng phương tiện, mở rộng vùng phục vụ... Loại hình xe buýt điện chất lượng cao kết nối với đường sắt đô thị đã dần khẳng định được tính ưu việt, qua đó thu hút được một lượng lớn hành khách đi lại thường xuyên”, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, Thái Hồ Phương nhận định.

Không chỉ tăng cường chất lượng dịch vụ, Hà Nội cũng đẩy mạnh kết nối, tăng độ bao phủ ra ngoại thành để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, xe buýt đáp ứng từ 16% đến 18% và đến năm 2030 đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, xe buýt không chỉ đến trung tâm các huyện mà còn hoạt động đến nhiều xã xa khu vực trung tâm. Các tuyến mở mới thời gian qua đã hoạt động an toàn, ổn định, sản lượng hành khách tăng dần theo thời gian. Ðiển hình như tuyến xe buýt 103 từ Mỹ Ðình-Hương Sơn (huyện Mỹ Ðức), tuyến số 108 từ Bến xe Thường Tín-Minh Tân (huyện Phú Xuyên) được đông đảo người dân và chính quyền địa phương hoan nghênh.

Mở rộng vùng phục vụ

Phát huy kết quả này, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về phương án hợp lý hóa luồng tuyến nhằm mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tại địa bàn các huyện Thường Tín và Gia Lâm. Cụ thể, các tuyến xe buýt số 08A và 21B sẽ được kéo dài về địa điểm cuối tại thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) và tuyến buýt số 34 và 55 có điểm cuối tại trung tâm hành chính huyện Gia Lâm. Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt cũng sẽ kết nối với dự án Ðại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để phục vụ việc đi lại cho sinh viên ở đây.

Bên cạnh đó, dự kiến trong quý II/2022, thành phố sẽ mở mới năm tuyến buýt thường kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Ðông và 17 tuyến buýt khác dự kiến triển khai trong quý III và quý IV/2022. Ðồng chí Thái Hồ Phương cho biết, việc này sẽ giúp kết nối vận tải khách theo hướng đa phương thức nhằm tăng cường khả năng kết nối, trung chuyển hành khách giữa đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, tăng khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, khu công nghiệp, các khu vực xa trung tâm.

Theo đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), để nâng cao hiệu quả khai thác phục vụ nhân dân trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng, Transerco đã triển khai mở các tuyến buýt theo từng giai đoạn. Trong đó, mục tiêu của giai đoạn 1 là không có trung tâm, đơn vị hành chính (quận, huyện) nào của Hà Nội “trắng” về xe buýt. Về cơ bản đến nay mục tiêu đã hoàn thành. Mục tiêu của giai đoạn 2 là không có trung tâm, thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã “trắng” về xe buýt.

Giai đoạn 3, đưa xe buýt về tận trung tâm các xã, các điểm thu hút hành khách lớn. “Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục rà soát, tính toán, sau đó sẽ báo cáo các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố phương án điều chỉnh, mở mới các tuyến xe buýt đến những xã chưa có xe buýt phục vụ bằng phương tiện có kích cỡ phù hợp hoặc khi hệ thống đường sá ở các địa phương nơi đây đủ điều kiện vận hành xe buýt an toàn”, lãnh đạo doanh nghiệp thông tin.

KHẢI HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/tang-ket-noi-mo-rong-pham-vi-hoat-dong-700666/