Tăng cường xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 17-10, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF Việt Nam tổ chức tọa đàm Xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn động vật hoang dã của Tổ chức WWF-Việt Nam cho biết: Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đa dạng sinh học nhất thế giới. Đặc biệt, khu vực Trung Trường Sơn là nơi sinh sống của các loài quan trọng, bao gồm các loài đặc hữu, quý hiếm và các loài mới công bố. Tuy nhiên, những loài này phải đối mặt với những mối đe dọa phức tạp ngày càng tăng, bao gồm nạn săn trộm, đặt bẫy trên diện rộng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển cơ sở hạ tầng và tác động lan rộng của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Để bảo tồn các loài quan trọng, WWF đang nỗ lực hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thực hiện quản lý và triển khai các giải pháp bảo tồn hiệu quả. Đồng thời, đóng góp cải thiện khuôn khổ pháp lý, hợp tác quốc tế, chính sách, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và tuyên truyền thay đổi hành vi xã hội trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã. Song hành với WWF còn có rất nhiều tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học, theo TS Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

TS Trần Văn Miều cho rằng, thách thức lớn nhất là cộng đồng nhận thức chưa đầy đủ về xã hội hóa, ngay cả khái niệm về xã hội hóa cũng chưa thống nhất. Riêng đối với người dân, cần giúp họ hiểu rõ những lợi từ công tác bảo tồn động vật hoang dã nói riêng hay bảo vệ môi trường nói chung. Họ từ người hưởng lợi sẽ dần trở thành đối tác, và sau đó là chủ thể tham gia tích cực vào các hoạt động này.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi thông tin về nhu cầu xã hội hóa công tác bảo tồn, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp cư dân trong xã hội, tăng cường sự tự nguyện tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học; các giải pháp thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và Công ước Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal; các công cụ chính sách, cơ chế dựa vào thị trường để thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Tin, ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tang-cuong-xa-hoi-hoa-cong-tac-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-747518