Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã xây dựng mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số; duy trì tốt môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp học, giúp các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt.

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Liệp Tè, huyện Thuận Châu.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 214 trường và 781 điểm trường có bậc tiểu học xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS; 70% số trường có thư viện đạt chuẩn; 100% trường tiểu học được kết nối mạng internet; 78.000 học sinh tiểu học được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi.

Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Trên cơ sở bộ tài liệu tăng cường tiếng Việt do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, các cơ sở giáo dục có cấp tiểu học đã hướng dẫn giáo viên soạn bài và tổ chức dạy linh hoạt, bảo đảm thực hiện chương trình theo quy định. Trong đó, các lớp 1, 2, 3 dạy 70 tiết/năm học. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh thông qua hoạt động tập thể cho các khối, lớp tại sân trường 2 tiết/tuần. Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đã khích lệ các em mạnh dạn, tự tin và thích đi học; cải thiện kỹ năng nói, giao tiếp bằng tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện, các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh theo bộ tài liệu hướng dẫn: Em nói tiếng Việt lớp 1 (sách học sinh); tăng cường tiếng Việt lớp 2; bộ tranh kể chuyện (em nói tiếng Việt). Các nhà trường đã vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học tiếng Việt theo phương châm dạy ngôn ngữ thứ 2 cho học sinh DTTS, tăng thời gian luyện nói, tổ chức các hoạt động ngoại khóa hoặc kết nối thư viện với lớp học thông qua tiết đọc sách, kể chuyện theo sách tại thư viện.

Bên cạnh đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS còn được thông qua các hoạt động học tập, như hội thoại, học bằng hình ảnh trực quan, trò chơi; các hoạt động Đội, hoạt động múa hát tập thể, hoạt động trải nghiệm; kể chuyện theo sách, tô, vẽ, đếm; tổ chức cho học sinh thi đọc thơ, thi hát, kể chuyện bằng tiếng Việt... Trong giao tiếp hằng ngày, giáo viên luôn tạo thói quen cho học sinh thường xuyên sử dụng tiếng Việt. Nội dung giao tiếp gắn với các hoạt động chào hỏi, tự thuật, mô tả các sự vật, hiện tượng trong môi trường xung quanh..., giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt và khả năng sử dụng tiếng Việt, gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ, từ đó, các em tiếp thu tốt hơn các môn học chính khóa trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Sông Mã, chia sẻ: Huyện có 53 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS, 342 điểm trường; học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 87%. Để tăng cường tiếng Việt, nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, Phòng đã chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, TH-THCS khuyến khích các thầy, cô giáo phát huy sáng kiến về tăng cường tiếng Việt cho học sinh; tăng cường giao tiếp với học sinh bằng tiếng Việt; tạo không gian lớp học, khuôn viên sân trường có nhiều chữ, tiếng Việt, như đặt tên bằng tiếng Việt cho các đồ vật, đồ dùng dạy học, cây xanh... Phối hợp với phụ huynh tăng cường giao tiếp, tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ ở nhà. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi gắn với học tiếng Việt để học sinh thành thạo tiếng Việt, tự tin tham gia các hoạt động của trường, của lớp.

Đối với các trường mầm non vùng DTTS, chú trọng tạo môi trường học tập song ngữ, kết hợp tiếng Việt với ngôn ngữ bản địa của trẻ DTTS (chủ yếu là tiếng Thái, tiếng Mông). Trong giảng dạy, giáo viên sử dụng tài liệu phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa của trẻ DTTS; sử dụng hình ảnh đa dạng để hỗ trợ quá trình học tiếng Việt, giúp trẻ dễ dàng nhận biết, liên kết từ vựng, ngữ pháp và cấu trúc câu trong tiếng Việt. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, các buổi trình diễn nghệ thuật có tính đa văn hóa. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh tham gia và đóng góp vào quá trình giáo dục của trẻ, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống hằng ngày của trẻ, giúp trẻ tự tin khi bước vào lớp một.

Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết thêm: Ngành tiếp tục triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, phối hợp với các cơ quan, các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng xã hội về tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS. Chỉ đạo các trường học khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện ngoài trời, tạo không gian đọc cho học sinh. Đồng thời, thiết kế môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng không gian phòng học tại các lớp với nhiều chữ viết, tiếng Việt để học sinh có nhiều cơ hội đọc, viết tiếng Việt.

Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 11/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1, với những nội dung thiết thực, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú học tập, chủ động cho trẻ học tập. Đồng thời, hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ em là người DTTS; xác định rõ vai trò phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1.

Làm tốt công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1, cùng các hoạt động dạy học, tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt trong chương trình tiểu học dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học, sẽ là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy và học vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/tang-cuong-tieng-viet-cho-hoc-sinh-vung-dan-toc-thieu-so-CGKPaUKIR.html