Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể khi thời tiết thay đổi

Thời tiết nắng nóng lại xuất hiện những cơn mưa lớn, nhiệt độ thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Bác sĩ khuyến cáo người dân ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục, tăng cường sức đề kháng và hạn chế ra đường khi trời nắng gắt hoặc mưa để phòng bệnh.

Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, trung bình có khoảng 2.100 lượt bệnh/ngày, không tăng so trung bình tháng trước. Tuy nhiên, một số phòng bệnh có số lượng bệnh nhân đến khám tăng như khám nhi, tai mũi họng, nội hô hấp… tập trung hai đối tượng trẻ em và người lớn tuổi. Ngoài ra, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa; các bệnh về da liễu như nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban, ngứa do ghẻ; các bệnh viêm phổi, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sốt siêu vi, cảm cúm, cảm nắng… tăng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Thời tiết thay đổi thất thường, xuất hiện những cơn mưa trái mùa tạo điều kiện cho một số loại virus phát triển; đồng thời, người lớn tuổi, trẻ nhỏ sức đề kháng kém, cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, virus dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Đồng thời, những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng dễ phát bệnh do nắng nóng làm cơ thể thiếu nước gây mệt mỏi, có thể gây sốc nhiệt…”.

Bị bệnh tăng huyết áp, viêm phế quản cấp phải tái khám định kỳ và uống thuốc hàng ngày theo toa của bác sĩ nhưng thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Bành Văn Nhanh, ngụ phường An Bình, TP. Rạch Giá (Kiên Giang). “Dù tôi uống thuốc hàng ngày nhưng huyết áp có khi lên cao, khó thở, ho và nặng ngực nên tôi đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tái khám. Bác sĩ khám bệnh, kê toa thuốc và khuyến cáo bổ sung dinh dưỡng, nghỉ ngơi nhiều, đi bộ buổi sáng hoặc buổi chiều và hạn chế ra đường buổi trưa hoặc trời đang mưa”, ông Nhanh nói.

Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng so cùng kỳ năm 2020. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 211 ca sốt xuất huyết với 47 ổ dịch, số ca mắc tăng gần 5% so cùng kỳ năm 2020; bệnh tay chân miệng ghi nhận 620 ca, tăng 8,9 lần so cùng kỳ năm 2020, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Tấn Toàn - Khoa Cấp cứu nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: “Tại Khoa Cấp cứu nhi lượng bệnh tăng, trong đó đáng chú ý là bệnh tay chân miệng, trung bình tiếp nhận từ 1 - 2 ca/ngày, mức độ nặng từ 2b nhóm 1 trở lên, gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị”.

Đưa con điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Cấp cứu nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang, chị N.T.T, ngụ phường An Thới (TP. Phú Quốc) chia sẻ: “Khi phát hiện con mắc bệnh tay chân miệng, gia đình đưa bé nhập viện tại Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc, sau đó chuyển viện đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh để kịp thời điều trị. Bệnh diễn biến nhanh, ngày đầu nhập viện, bé ngủ li bì, sốt cao 5 lần/ngày, tôi rất lo. Nhờ bác sĩ tích cực điều trị, tình trạng sức khỏe của bé dần ổn định, tôi rất mừng”. Mùa nắng nóng, nhiều khói bụi và người dân có nhu cầu uống nước đá để giải khát dẫn đến viêm họng; thức ăn dễ bị ôi thiu, dễ dẫn đến tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa.

Để phòng tránh các bệnh có thể mắc vào mùa nắng nóng hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng khuyến cáo: Nếu không thật sự cần thiết thì người dân không nên ra đường lúc trời nắng gắt và không ở ngoài nắng quá lâu, rất dễ bị bệnh nhất là say nắng. Người dân cần ăn chín uống chín, uống nhiều nước, hạn chế uống nước đá để tránh viêm họng. Tránh thay đổi đột ngột từ phòng có điều hòa ra ngoài môi trường nhiệt độ cao dễ bị sốc nhiệt, không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp; trước khi ra ngoài phải tắt điều hòa từ 10 - 15 phút, sau đó mới ra ngoài, nhất là trẻ em, người cao tuổi. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, người dân phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi đông người, giữ môi trường sống, nơi làm việc luôn sạch sẽ, thoáng mát; đồng thời, bổ sung dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bài và ảnh: MI NI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/tang-cuong-suc-de-khang-cho-co-the-khi-thoi-tiet-thay-doi-6264.html