Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết

Các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc của nhà đầu tư để thổi giá đất thị trường lên cao diễn ra như hiện nay, việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

Chiều 27/3, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm thảo luận, góp ý kiến về quy định liên quan đến tiêu chuẩn đấu giá viên và đào tạo nghề đấu giá.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 14/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Báo cáo số 2627/BC-UBKT15 ngày 12/3/2024 về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.

 Toàn cảnh Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản (Luật hiện hành), bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (trong đó, một số điều, khoản được thiết kế và sắp xếp lại để phù hợp kỹ thuật lập pháp mà không thay đổi nội dung).

Qua thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đều cơ bản cho rằng, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quan tâm đến tiêu chuẩn đấu giá viên và đào tạo nghề đấu giá tại Điều 11, Điều 12 dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ tán thành với dự thảo Luật lần này và báo cáo của Ủy ban Kinh tế, đồng thời cho rằng, việc bỏ quy định “các trường hợp miễn đào tạo nghề đấu giá” là phù hợp.

Theo nữ ĐBQH, thời gian tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá không quá dài, theo quy định của dự thảo là 6 tháng, nên cũng rất thuận lợi cho người có nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng theo nghề đấu giá tham gia đào tạo.

 Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, việc tham gia khóa đào tạo sẽ trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cơ bản cho các đấu giá viên tương lai, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá. Quy định này cũng là phù hợp trong bối cảnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động đấu giá nói riêng hiện nay.

Cũng quan tâm tới nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong thời gian qua, đã có tình trạng đấu giá viên có hành vi tiêu cực, vì vậy, việc tập huấn, đào tạo đối với những đấu giá viên và những đấu giá viên này phải có trình độ theo quy định của luật là rất cần thiết.

Ngoài ra, đối với những quy định, tiêu chuẩn đấu giá viên được miễn không phải qua đào tạo, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng. Bởi việc đào tạo đấu giá viên, ngoài việc nắm bắt chuyên môn về đấu giá thì còn phải đào tạo, bồi dưỡng nhận thức, ý thức của đấu giá viên về mặt đạo đức, về mặt phẩm chất trung thành, thực hiện đấu giá khách quan, công tâm, vô tư. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định cho phép những đấu giá viên được miễn tham gia đào tạo, song phải tham gia tập huấn những nội dung cần thiết, chứ không thể miễn hoàn toàn.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu.

Đối với việc đấu giá trong những trường hợp mà chỉ có một người tham gia đăng ký đấu giá, ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, đây là những trường hợp rất đặc thù; cần quy định rõ những loại hình nào, lĩnh vực nào thì một người tham gia đấu giá có thể trúng đấu giá.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc của nhà đầu tư để thổi giá đất thị trường lên cao diễn ra như hiện nay, thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

Tuy nhiên, bản chất quan hệ đấu giá tài sản là quan hệ dân sự, tôn trọng thỏa thuận giữa các bên, vì vậy, nên cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp xử lý được đưa ra, tránh sự can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự; nhất là khi chúng ta đã có những quy định để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự nếu có vi phạm trong hoạt động đấu giá, cùng với đó Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng sẽ góp phần khắc phục một số bất cập tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-cuong-quan-ly-xu-ly-vi-pham-trong-dau-gia-quyen-su-dung-dat-la-can-thiet-post289417.html