Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư thủy sản

Thức ăn, thuốc thú y, các chế phẩm xử lý môi trường… là những vật tư không thể thiếu để dùng trong nuôi trồng thủy sản. Nếu chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả vụ nuôi. Vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư thủy sản luôn được các ngành chức năng Sóc Trăng quan tâm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Kiểm soát chặt chất lượng

Theo kế hoạch trong năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 74.000ha, trong đó nuôi tôm nước lợ là 51.000ha. Với diện tích nuôi lớn như trên nên nhu cầu sử dụng vật tư thủy sản là không nhỏ. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản; hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Cùng với các sản phẩm được sản xuất trong nước, nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, đa dạng về chủng loại đang được lưu hành trên thị trường, gây khó khăn trong công tác quản lý của ngành chức năng cũng như việc lựa chọn và sử dụng của người dân.

Trước thực trạng đó, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm vật tư thủy sản, như: thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất; lấy mẫu kiểm tra chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cơ sở kinh doanh nâng cao ý thức trong kinh doanh vật tư thủy sản, hướng dẫn họ cách tra cứu từng sản phẩm để đảm bảo xuất xứ nguồn gốc; hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng để có vụ nuôi hiệu quả.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra vật tư thủy sản đang được bày bán tại đại lý kinh doanh thức ăn thủy sản tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã thực hiện 10 cuộc thanh tra, kiểm tra về điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm của 195 lượt cơ sở kinh doanh vật tư thủy sản trên địa bàn, xử lý vi phạm hành chính 19 trường hợp, với số tiền trên 156 triệu đồng. Đồng chí Trần Thiện Hiến - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến lưu thông thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường khi chưa thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; buôn bán thuốc thú y thủy sản có chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đã hết hiệu lực; buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra 30 vụ, phát hiện 22 vụ vi phạm về danh mục hàng hóa chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, hàng hóa không có dấu hợp quy và một số trường hợp không niêm yết hàng hóa đúng quy định. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 60 triệu đồng, giá trị hàng hóa vi phạm trên 150 triệu đồng.

Nâng cao ý thức tổ chức, cá nhân trong kinh doanh

Để đảm bảo chất lượng đầu vào, đại lý thức ăn thủy sản Tài Thạnh ở ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chỉ chọn mua hàng hóa từ những công ty có quy mô, lâu năm trên thị trường và nói không với hàng trôi nổi, chào mời với mức huê hồng hấp dẫn từ những sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với 25 năm kinh nghiệm trong kinh doanh vật tư thủy sản, chị Trần Thị Mỹ Keo - chủ đại lý Tài Thạnh cho biết, chị luôn tìm hiểu trước và ưu tiên công ty có uy tín, giá cả hàng hóa phù hợp để hợp tác kinh doanh lâu dài.

Đại lý thức ăn thủy sản Thành Đạt ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề hiện đang kinh doanh hơn 10 loại thức ăn, thuốc thủy sản có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu của khoảng 10 công ty. Để giám sát chất lượng vật tư thủy sản, đại lý định kỳ hàng tuần đều thực hiện tra cứu thông tin sản phẩm trên hệ thống của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xem sản phẩm có được phép lưu hành hay không, mới đưa đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, đối với các sản phẩm mới, đại lý trực tiếp kiểm tra chất lượng bằng cách đưa vào sử dụng thử, nếu hiệu quả mới nhập về và bán cho người dân.

Nhân viên bán hàng Đại lý thức ăn thủy sản Thành Đạt ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thực hiện tra cứu thông tin sản phẩm trên hệ thống của Tổng cục Thủy sản. Ảnh: HOÀNG LAN

Mỗi lô hàng nhập về, đại lý thuốc thủy sản Kim Ngân ở ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề đều cẩn thận ghi hạn sử dụng, tránh bán nhầm hàng quá “date” cho người dân. Ngoài ra, đại lý thận trọng trong chọn nhà phân phối về thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Theo chị Nguyễn Thị Nga - Quản lý chuỗi hệ thống Đại lý thuốc thủy sản Kim Ngân, trong kinh doanh vật tư thủy sản, đại lý luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và có giá bán phù hợp, vừa đảm bảo uy tín cho đại lý, vừa chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với người nuôi tôm.

Qua chia sẻ của các đại lý mua bán vật tư thủy sản, cho thấy ý thức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao. Theo thông tin từ Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị thực hiện lấy 28 mẫu (gồm 17 mẫu xử lý môi trường, 10 mẫu thức ăn bổ sung và 1 mẫu thức ăn thủy sản) để kiểm tra chất lượng. Kết quả, có 7 mẫu không đạt (chiếm 25%), số còn lại đều đạt. Cục Quản lý thị trường cũng lấy 12 mẫu thức ăn hỗn hợp trong nuôi trồng thủy sản để kiểm tra, kết quả các mẫu đều đáp ứng chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc hồ sơ công bố chất lượng.

Tăng cường quản lý nhà nước

Hiện tại, giá vật tư thủy sản đang ở mức cao, trong khi giá tôm nguyên liệu lại giảm sâu, tác động đến lợi nhuận, đời sống, sản xuất của người nuôi tôm. Trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý vật tư thủy sản. Có giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát, bình ổn giá cả, chất lượng vật tư thủy sản. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng sản xuất, mua bán mặt hàng thức ăn thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không theo quy định của pháp luật. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chất lượng hàng hóa bày bán, lưu thông trên thị trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm. Các lực lượng chức năng tỉnh cần liên hệ mật thiết với người dân để tiếp nhận tin báo và khuyến khích cá nhân, tổ chức báo tin về những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường để nhanh chóng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Văn Bảnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh nhấn mạnh, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, cục sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh vật tư thủy sản; hướng dẫn hộ kinh doanh kiểm soát hàng hóa bày bán; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa phải có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; khuyến cáo hộ nuôi cần lựa chọn những sản phẩm chất lượng với nhãn hiệu uy tín để sử dụng trong nuôi trồng thủy sản… nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-kiem-soat-chat-luong-vat-tu-thuy-san-66367.html