Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tăng cường công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

Từ cuối năm 2023 đến nay, phát sinh một số ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh với 189 con lợn mắc bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 735.000 kg của 19 hộ chăn nuôi thuộc 9 xóm và 5 xã của 4 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hòa An, Quảng Hòa. Đối với bệnh DTLCP phát sinh 2 ổ dịch mới tại xã Đại Tiến (Hòa An) 36 con lợn và xã Quảng Lâm (Bảo Lâm) 82 con lợn mắc và tiêu hủy. Hiện toàn tỉnh còn 1 ổ dịch ở xã Quảng Lâm (Bảo Lâm) chưa qua 21 ngày…

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh lở mồm, long móng, cúm gia cầm, bệnh dại ở chó, mèo… rất cao. Do vậy, các huyện, Thành phố cần triển khai kịp thời công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Đây được xem là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả tốt nhất hiện nay, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Người dân xã Vũ Minh (Nguyên Bình) chăm sóc đàn trâu.

Anh Triệu Thanh Tuấn, xóm Lũng Ỉn, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi 4 con trâu, bò và trên 20 con lợn thịt. Những năm trước đây, do chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của vắc xin nên tôi không thường xuyên tiêm hoặc không tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò. Khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, gia đình tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho vật nuôi, nhờ đó, đàn trâu của gia đình có sức đề kháng, phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyên Bình Lê Thị Thắm cho biết: Trung tâm tăng cường phối hợp các xã, thị trấn rà soát, thống kê số lượng đàn vật nuôi trong diện tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt cao, góp phần phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường giám sát, quản lý dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tiêm phòng DTLCP 2.085 liều/15.000 liều, đạt 13,9% kế hoạch.

Để công tác tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi phối hợp với các địa phương tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và người chăn nuôi trong việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 1 (từ tháng 4 - 6/2024) được 10.4848 liều vắc xin lở mồm, long móng cho trâu, bò, đạt 5,6% kế hoạch; 10.991 liều vắc xin tụ huyết trùng; 761 liều vắc xin dịch tả lợn cổ điển, đạt 0,88%; 19.828 liều vắc xin DTLCP, đạt 18,5%; 22.611 liều Newcastle cho gia cầm, đạt 8,9%.

Cán bộ thú y thị trấn Nước Hai (Hòa An) tiêm phòng dịch bệnh cho bò.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hoàng Văn Khánh, Chi cục sẽ triển khai 2 đợt tiêm phòng vắc xin chính vụ với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển đàn vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm khống chế, dập tắt dịch trong diện hẹp, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan. Đôn đốc công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như: DTLCP, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dại, viêm da nổi cục trên trâu, bò... Tiến hành điều tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh khi có gia súc, gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân nhằm phát hiện sớm và khống chế kịp thời. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng các loại vắc xin đợt I/2024 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và tháng vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc môi trường đợt I/2024.

Phương Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi-3168871.html