Tăng cường ngăn chặn nguy cơ bệnh dại mùa nắng nóng

Các tỉnh miền Đông Nam bộ xuất hiện nhiều ca bệnh dại dẫn đến tử vong. Một số ổ dịch chó dại xuất hiện tại các thành phố. Cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan với bệnh dại.

Chú chó chạy lang thang ngoài đường giữa tiết trời nắng nóng đã bị đội bắt chó của phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) xiết cổ đưa lên xe chuyên dụng, đưa về nơi quản lý.

Tăng nguy cơ mắc bệnh dại trên người

Ngày 6/4/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh này vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do bệnh dại. Cụ thể, nam bệnh nhân 32 tuổi ở thị trấn Thuận Nam có tiền sử bị bệnh xương khớp, lòng bàn chân trái đau nhức, cảm giác khó chịu. Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh dại trên người ở địa phương này.

Trước đó, những tháng đầu năm của năm 2024, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 3 ca tử vong nghi do bệnh dại ở các huyện Hàm Tân và thị xã La Gi. Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 4 ổ dịch chó dại. Tổng cộng gần 10 người bị chó dại cắn và đã được tiêm ngừa vắc xin phòng dại.

Trước đó, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận đến 20 ổ dịch chó dại tại 7 huyện, thành phố. Những địa phương phát hiện nhiều ổ dịch như huyện Định Quán, huyện Trảng Bom… Đáng chú ý, trong suốt thời gian dài từ năm 2014 đến năm 2022, tỉnh Đồng Nai không ghi nhận 1 ổ bệnh chó dại nào, nhưng sang năm 2023 thì tình này bắt đầu bùng phát các ổ bệnh chó dại.

Số chó trong ngày đầu đội bắt chó chạy rông đã bắt được. Trong các con chó này tỏ ra hung dữ, đến gần dễ gây nguy hiểm.

Phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) cũng là nơi tập trung trung khu dân cư đông đúc. Người dân nuôi nhiều chó và thả rông rất nhiều. Vào mùa khô cao điểm nắng nóng, rất nhiều chú chó có biểu hiện hung dữ, phát dại, gây nguy hiểm cho người dân. Ngày 4/6/2024, Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã thành lập đội bắt chó thả rông gồm 10 thành viên, trong đó 4 thành viên được trang bị dụng cụ chuyên dụng, các thành viên được tập huấn kỹ thuật bắt chó thả rông và tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin phòng chống bệnh dại.

Ông Lê Minh Trí (Phó trưởng phòng chăn nuôi dịch tễ, Chi cục chăn nuôi và thú y - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay toàn thành phố này có khoảng 183.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 100.000 hộ gia đình. Hiện có 59 phường, xã, thị trấn (trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn) đã thành lập tổ bắt chó thả rông ngoài đường phố.

Chú chó chạy rông ngoài đường bị đội bắt chó đưa về nơi quản lý.

Không được lơ là, chủ quan với bệnh dại

Để tiếp tục ngăn ngừa bệnh dại lây lan, tiến tới khống chế dịch bệnh, đầu năm 2024 Chi cục chăn nuôi và thú y Đồng Nai đã tham mưu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai mua 1 triệu liều vắc xin phòng bệnh dại để tiêm ngừa cho đàn chó trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, đề xuất trên đang được UBND tỉnh làm Tờ trình gửi lên HĐND tỉnh thông qua. Dự kiến từ tháng 7.2024 sẽ có vắc xin và bắt đầu công tác tiêm ngừa.

Nắng nóng kéo dài đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Nhiều mầm bệnh cũng xuất phát từ đây, đặc biệt là bệnh dại. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca).

Để ngăn chặn mầm mống của bệnh dại, ngành y tế của tỉnh Đồng Nai cũng đã có nhiều tham mưu đối với các huyện, thị, triển khai các phương án phòng ngừa. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận đưa ra khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan với bệnh dại. Đối với chó, mèo nuôi trong nhà phải tiêm ngừa dại định kỳ hàng năm và phải rọ mõm khi dắt ra đường. Khi bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc xin phòng dại và báo cáo chính quyền biết để xử lý.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nuôi chó phải tiêm vắc xin phòng dại cho chó nuôi, khóa rọ mõm chó mỗi khi dắt chúng ra đường nhằm tránh gây nguy hại cho người xung quanh.

Ngành y tế, chăn nuôi và bảo vệ động vật tại các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai… cùng khuyến cáo chủ hộ có nuôi chó phải tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định của ngành thú y. Khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian, đắp lá cây.

Thanh Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-ngan-chan-nguy-co-benh-dai-mua-nang-nong.html