Tăng cường lòng tin

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đón tiếp và có cuộc hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 7.12 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 24 diễn ra tại Bắc Kinh. Được kỳ vọng sẽ phác thảo kế hoạch chi tiết cho quan hệ song phương trong thời gian tới, song sự kiện này đang bị bao phủ bởi một loạt những bất đồng giữa hai bên thời gian gần đây.

Mối quan hệ phức tạp

Diễn ra nhân dịp đánh dấu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Trung Quốc - EU, đây cũng sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên được tổ chức sau 4 năm kể từ khi quan hệ Trung Quốc - EU đi xuống trong đại dịch.

Căng thẳng trước cuộc gặp mặt có thể thấy rõ nếu nhìn vào nỗi sầu muộn của EU trước thị trường ô tô điện của mình; mặt hàng ô tô điện do Trung Quốc sản xuất dường như đang chinh phục thị trường toàn cầu giống như cách mà máy sấy tóc, máy giặt và nhiều thiết bị điện lạnh của họ đã chinh phục thế giới cách đây 20 năm. Những chiếc ô tô made in China xuất hiện trên toàn thế giới và đang đẩy lùi những gã khổng lồ sản xuất ô tô một thời là những đế chế không thể chạm tới ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Cường quốc kinh tế số một châu Á hiện là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới. Dữ liệu của họ cho thấy các công ty Trung Quốc xuất khẩu hơn nửa triệu xe điện trong nửa đầu năm 2023, đánh dấu mức tăng trưởng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Và, giống như máy sấy tóc hay máy giặt, ô tô của họ cũng rẻ. Quá rẻ đến mức mà những nước khác khó có thể cạnh tranh được, như lời “thừa nhận” của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Hồi tháng 9, bà Ursula von der Leyen tuyên bố EU đang tiến hành một cuộc điều tra về trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc đối với ô tô điện - một động thái bị các quan chức Trung Quốc chỉ trích là "chủ nghĩa bảo hộ thuần túy". Vào ngày mai, chưa đầy hai tháng sau tuyên bố trên, người đứng đầu Ủy ban EU sẽ ngồi cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc trong Hội nghị Thượng đỉnh tại Bắc Kinh. Ở đó, có lẽ bà Ursula von der Leyen sẽ được phía Trung Quốc yêu cầu giải thích những bình luận gần đây của mình.

Quyết định mới nhất EU về việc điều tra các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc chỉ phản ánh sự cạnh tranh có hệ thống và rộng hơn giữa Brussels và Bắc Kinh. Năm 2020, EU đã đưa ra cơ chế sàng lọc các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu cho rằng những khoản đầu tư này có rủi ro đối với an ninh hoặc công chúng. Mục tiêu chính của quy định này là gây khó khăn hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong việc tiếp cận kết cấu hạ tầng quan trọng của các quốc gia EU.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc gặp hồi tháng 4 tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những trúc trắc trong quan hệ giữa hai bên không chỉ dừng lại ở đó. Năm 2021, Ủy ban EU đã đóng băng Thỏa thuận toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc do căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh. Mặc dù vậy, EU, với 27 thành viên, là đối tác thương mại số một của Trung Quốc, với khoảng 1 triệu USD được giao dịch mỗi phút. Cán cân thương mại giữa Trung Quốc và EU đạt gần 850 tỷ USD (780 tỷ euro) vào năm 2022 trong khi con số này giữa Trung Quốc và Mỹ là 690 tỷ USD.

EU chính thức coi Trung Quốc là “đối tác hợp tác và đàm phán, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ có hệ thống”. Lập trường này cũng đã được chính phủ Đức áp dụng khi triển khai chiến lược Trung Quốc vào mùa hè năm 2023. Đổi lại, Trung Quốc coi châu Âu là “thị trường tiềm năng”, nơi các công ty Trung Quốc có thể mua mọi nguyên liệu”, theo nhà khoa học chính trị Axel Berkofsky từ Đại học Pavia ở Italy.

"Ba giác ngộ" để có nhận thức mới về quan hệ song phương

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau một loạt cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên giữa Brussels và Bắc Kinh, tập trung vào các vấn đề bao gồm thương mại, năng lượng và kỹ thuật số, cũng như chuyến thăm của Ủy viên Đối ngoại EU Borrell vào tháng 10. Tại đây, ông đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh rằng EU không tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc mà thay vào đó giảm bớt sự phụ thuộc và đạt được mối quan hệ cân bằng hơn. “Vào tháng 10, tại Bắc Kinh, tôi đã chuyển một thông điệp đơn giản và rõ ràng: EU cam kết quản lý quan hệ với Trung Quốc một cách có trách nhiệm và mang tính xây dựng”, ông Borrell nói với Euractiv trước cuộc đàm phán.

Trong khi Borrell mô tả mối quan hệ EU - Trung Quốc hiện tại là “phức tạp” và cả hai bên đều có “những khác biệt”, ông gọi hội nghị thượng đỉnh là “một cơ hội để thảo luận thẳng thắn”. “Chúng ta hướng tới một sân chơi bình đẳng, để mối quan hệ kinh tế và thương mại trở nên cân bằng và cùng có lợi”.

Về phần mình, phát biểu với các Đại sứ châu Âu ở Trung Quốc hôm 4.12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi sâu sắc về các vấn đề chiến lược và toàn cầu liên quan đến quan hệ Trung Quốc - EU; đồng thời sẽ chỉ ra phương hướng và vạch ra kế hoạch chi tiết, tăng cường lòng tin và tạo động lực trong quan hệ song phương.

Ông cho rằng quan hệ Trung Quốc - EU nên tuân theo “ba sự giác ngộ”. Đầu tiên, hai bên cần nhận thức về sự tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai, hai bên cần giữ bình tĩnh và tập trung vào hợp tác thực chất. Thứ ba, hai bên cần nhìn nhận quan hệ song phương từ góc độ chiến lược. Ông Vương nói: “khi Trung Quốc và châu Âu chọn đối thoại và hợp tác, đối đầu sẽ không hình thành; khi Trung Quốc và châu Âu chọn hòa bình và ổn định, Chiến tranh Lạnh mới sẽ không bắt đầu và khi Trung Quốc và châu Âu chọn cởi mở và hợp tác đôi bên cùng có lợi, sẽ có hy vọng cho sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu”.

Liệu Hội nghị Thượng đỉnh hôm nay có thể mang lại sự tan băng ngoại giao hay không? Điều này sẽ chỉ có được nếu hai bên có chung nhận thức về “lợi ích cốt lõi”. Nhưng có vẻ như lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và EU rất khác nhau, và chính trị vẫn phủ bóng đen lên thương mại.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tang-cuong-long-tin-i353222/