Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

'Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đồng thời, xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý; tình trạng lợi dụng dịp nghỉ lễ để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng'.

Đây là chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tới Cục QLTT các địa phương trong suốt dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Bên cạnh đó, Cục QLTT các địa phương cũng duy trì sĩ số, phối hợp với cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa trong suốt kỳ nghỉ lễ.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 70 chợ truyền thống và hơn 3.000 cơ sở sản xuất kinh doanh ăn uống. Dịp lễ 30/4 và 1/5, lượng du khách đến Đà Nẵng tăng mạnh, nhu cầu mua bán, ăn uống tại các chợ, nhà hàng tăng cao. Trong suốt kỳ nghỉ lễ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng khách sạn và chợ truyền thống. Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ. Đối với những nhóm thực phẩm đã qua sơ chế và đóng gói, Ban Quản lý các chợ kiểm tra hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa bằng mã QR.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (Ảnh minh họa)

“Cao điểm này sẽ tiếp tục kiểm tra những cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ở ngoài, trong khách sạn nhà hàng và đặc biệt là trong hệ thống cung ứng ví dụ như các chợ dân sinh, các siêu thị thì sẽ tạo thành chuối liên hoàn”, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho biết.

Dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tỉnh Khánh Hòa đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố được tăng cường, nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm và nâng cao ý thức của người kinh doanh.

Tại tỉnh Thái Nguyên, chương trình Khai mạc Mùa Du lịch tỉnh năm 2024 diễn ra suốt kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc”. Chương trình diễn ra nhiều hoạt động, trong đó có Hội chợ với các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm Trà, sản phẩm OCOP, ẩm thực dân tộc địa phương.

Ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Cục QLTT chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng: “Đối với việc kiểm tra xử lý hàng hóa ở hội chợ cũng có những phát sinh phức tạp vì các thương nhân bán hàng hội chợ đều mang tính thời vụ vì hộ chợ diễn ra ít ngày nên khi kiểm tra, có thể tạm giữ, xử phạt cũng có trường hợp phải giám định. Ở đây tôi cũng muốn có sự phối hợp giữa cơ quan cấp phép các doanh nghiệp tham gia hội chợ với chính quyền địa phương cần phải có công tác phối hợp, ký cam kết với các thương nhân tham gia hội chợ để đảm bảo hàng hóa bán hoặc trưng bày trong hội chợ, cùng với việc tăng cường kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng QLTT”.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng, cần có biện pháp kiểm soát giá dịch vụ du lịch, yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tùy tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và Thủ đô nói chung. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch, đặc biệt tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, các trung tâm mua sắm, cơ sở vui chơi, giải trí trên địa bàn. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Thiết lập và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi có yêu cầu của khách du lịch.

“Yêu cầu cán bộ, kiểm soát viên thị trường tới từng địa bàn được phân công, rà soát kiểm tra các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra thì Đội kết hợp công tác truyên truyền như là ký cam kết với các hộ kinh doanh trên địa bàn, và phát tờ rơi không kinh doanh hàng giả, hàng cấm hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và trong đó có đường dây nóng của Đội để cho người dân, hộ kinh doanh phản ánh kịp thời để kiểm tra xử lý”, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hà Nội nêu rõ.

Ngoài việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa trong khâu lưu thông, các cơ sở kinh doanh, các dịch vụ vui chơi giải trí trong suốt dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết và các hành vi gian lận thương mại khác.

Trong dịp cao điểm nghỉ lễ, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm khá cao, do nhiều cơ sở kinh doanh tính thời vụ, tự phát. Ban chỉ đạo Liên ngành về an toàn thực phẩm nhận định: ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, ý thức trách nhiệm của người kinh doanh, thì người tiêu dùng cũng cần kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, toàn lực lượng duy trì sĩ số, phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo thị trường hàng hóa thông suốt.

“Bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389, Tổng cục QLTT đã xây dựng kế hoạch về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong suốt dịp nghỉ lễ, trong đó, tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như là lương thực thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, hàng điện tử, hàng may mặc sẵn. Đồng thời, chỉ đạo các Đội QLTT phụ tr ách đảm bảo tối đa quân số trực, nhằm nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình thị trường để kịp thời phát hiện vi phạm để có phương án xử lý kịp thời. Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, nhằm huy động sức mạnh tập thể để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT duy trì sĩ số trực 100%, để tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường suốt kỳ nghỉ lễ năm nay. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT mở số điện thoại đường dây nóng 1900.888.655 để tiếp nhận thông tin tố giác từ người dân và doanh nghiệp về các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Tổng cục QLTT cũng yêu cầu chính quyền địa phương, ban tổ chức các điểm vui chơi, giải trí tăng cường kiểm tra, áp dụng những hình thức xử phạt đúng quy định, kiên quyết không để những cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm được tồn tại, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và du khách. Mặt khác, các quận, huyện, thị xã cần lên phương án phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý. Cụ thể, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả nếu có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm và các điểm vui chơi, du lịch, lễ hội.

Phạm Hạnh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-thi-truong-hang-hoa-dip-nghi-le-304-va-15-post1091800.vov