Tăng cường kiểm tra, giám sát thi công Cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp Ủy ban Nhân dân các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường việc thi công Cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa.

Thi công nền đường một dự án đường bộ cao tốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thi công nền đường một dự án đường bộ cao tốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có phản hồi trả lời về thông tin về đề nghị tăng cường giám sát việc thi công tuyến đường Cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa và tuyến đường tránh Đông Buôn Ma Thuột.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022.

Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài hơn 117km đi qua hai tỉnh Khánh Hòa (gần 33km) và Đắk Lắk (gần 85km). Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Các đoạn khó khăn châm chước có vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư chung của cả dự án là gần 22.000 tỷ đồng

Dự án gồm 3 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 1 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản và Dự án thành phần 3 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Đánh giá của phía Bộ Giao thông Vận tải cho thấy đến nay, cả 3 dự án thành phần đều đã phê duyệt dự án đầu tư và khởi công xây dựng từ tháng 6/2023, trong đó yêu cầu các dự án thành phần cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tăng cường công tác quản lý các dự án thành phần, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản, tạo sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Ủy ban Nhân dân các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện dự án, tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, công khai, minh bạch, kịp thời giải quyết các vướng mắc (nếu có), không gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thành phần theo yêu cầu, đảm bảo tuân thủ quy định.

Liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, dự án này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2020.

Dự án gồm 2 gói thầu thi công khởi công năm 2021, dự kiến hoàn thành năm 2023 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

 Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột còn chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột còn chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư đã chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa chủ động kiểm soát chặt chẽ kinh phí giải phóng mặt bằng làm phát sinh tăng chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 332 tỷ đồng) so với kinh phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt và làm vượt giải phóng mặt bằng của dự án.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bổ sung nguồn vốn, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2024 và hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025.

Xác định chất lượng, tiến độ công trình luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo yêu cầu các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng các dự án phải đề cao trách nhiệm, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và các chỉ đạo của bộ; chịu trách nhiệm theo đúng phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của dự án./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-thi-cong-cao-toc-buon-ma-thuot-khanh-hoa-post921900.vnp