Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam-Kazakhstan

Đại sứ Phạm Thái Như Mai nhấn mạnh, hợp tác trao đổi giáo dục, nghiên cứu khoa học cần được coi là một trong những nội dung ưu tiên nhằm tạo nền tảng cho quan hệ Việt Nam-Kazakhstan phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Hợp tác giáo dục Việt Nam-Kazakhstan 2024”.

Chiều ngày 29/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan đã tổ chức buổi tọa đàm “Hợp tác giáo dục Việt Nam-Kazakhstan 2024”.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, trường PTTH chuyên Hà Nội-Amsterdams.

Từ đầu cầu thủ đô Astana có các Giáo sư Việt Nam đang giảng dạy tại Đại học Nazabayev và một số nghiên cứu sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Astana và đại diện Hội người Việt Nam tại Kazakhstan.

Quan hệ Việt Nam-Kazakhstan trong thời gian gần đây đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokayev vào tháng 8/2023. Hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cấp trong đó có cấp cao, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần một tỷ USD, gấp hai lần so với năm 2022.

Đường bay thẳng nối Astana, Almaty với Cam Ranh, Khánh Hòa với tần suất 5 chuyến/tuần đã đưa hàng trăm nghìn du khách Kazakhstan, Nga và các nước Trung Á đến thăm Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ song phương và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Các doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy kết nối và khai thác các cơ hội kinh doanh và đầu tư ở cả hai quốc gia.

Trong điều kiện đó, như Đại sứ Phạm Thái Như Mai nhấn mạnh, hợp tác trao đổi giáo dục, nghiên cứu khoa học cần được coi là một trong những nội dung ưu tiên nhằm tạo nền tảng cho quan hệ hai nước phát triển bền vững.

Đại sứ tin tưởng, tọa đàm giáo dục 2024 là cơ hội tốt để các trường đại học và các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam tìm hiểu về đất nước và con người Kazakhstan, về nền giáo dục của Kazakhstan, khai thác những tiềm năng, cơ hội thúc đẩy hợp tác giáo dục trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Kazakhstan.

Từ đầu cầu thủ đô Astana có các Giáo sư Việt Nam đang giảng dạy tại Đại học Nazabayev và một số nghiên cứu sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Astana và đại diện Hội người Việt Nam tại Kazakhstan.

Phó GS, TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội đã kể về những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm làm việc mới đây tại Kazakhstan của Đại học Luật Hà Nội.

Tiến sĩ Vũ Thị Lan Anh nhận định, các trường đại học của Kazakhstan có chất lượng đào tạo tốt, học phí tương đối rẻ, chi phí ăn ở, đi lại cho sinh viên tương đương chi phí tại Việt Nam. Việc sinh viên Việt Nam chưa quan tâm đến thị trường giáo dục tại Kazakhstan chủ yếu là do thiếu thông tin về đất nước và con người Kazakhstan, các cơ hội học bổng, điều kiện học tập và ăn ở tại Kazakhstan.

Ngoài ra, tâm lý học tập bằng tiếng Nga cũng là một e ngài cho giới trẻ Việt Nam. Trên thực tế, sinh viên học tại Kazakhstan cũng có thể học bằng tiếng Anh tại nhiều trường đại học ở Kazakhstan.

Mới đây, Đại học Luật Hà Nội đã có thỏa thuận thành công với Đại học Á-Âu mang tên Gumilev tại thủ đô Astana, đưa 5 sinh viên sang học trao đổi đúng chuyên ngành tại Đại học Á-Âu và học bằng tiếng Anh.

Tại tọa đàm, các giảng viên Đại học Nazabayev đã giới thiệu các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh của trường, các cơ hội nhận học bổng nghiên cứu sinh cho công dân Việt Nam vừa được thực hiện mới đây tại trường.

Các Giáo sư trẻ tại trường cũng đề xuất dự án thành lập Hội Trí thức trẻ Việt Nam tại Kazakhstan nhằm tăng cường kết nối với các trường đại học trong nước, thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh sang học tập và triển khai các dự án nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục, khoa học trong nước, đóng góp vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước hiện nay.

Các đại biểu tham dự bằng hình thức trực tuyến.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã bày tỏ sự bất ngờ và thú vị về các thông tin về đất nước, xã hội và nền giáo dục của Kazakhstan.

GS. TS. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho rằng, cần tập trung thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học hai nước và nâng cao trao đổi hợp tác nghiên cứu.

Phó Giáo sư, TS. Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề xuất hình thức họp Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam và Kazakhstan.

Về hợp tác giáo dục Việt Nam-Kazakhstan, các đại biểu thống nhất phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan để tăng cường cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên về các cơ hội học tập tại Kazakhstan thông qua các buổi tọa đàm, chuyến thăm của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, thúc đẩy xây dựng khung hợp tác giáo dục chính phủ tập trung vào hợp tác giữa các trường và trao đổi nghiên cứu.

(theo ĐSQ Việt Nam tại Kazakhstan)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tang-cuong-hop-tac-giao-duc-viet-nam-kazakhstan-263043.html