Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội dịp đầu Xuân

Lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh thường diễn ra vào dịp đầu Xuân, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết. Nhiều năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được ngành Văn hóa, Thể thao và các địa phương, đơn vị phối hợp tổ chức đảm bảo trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, đã loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Người dân và du khách cổ vũ cho hội thi bơi chải tại Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ (huyện Kim Sơn). Ảnh: Vũ Đức Phương

Vùng đất phong phú các lễ hội văn hóa đặc sắc

Ninh Bình là vùng đất phong phú các lễ hội văn hóa đặc sắc. Theo báo cáo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 243 lễ hội, trong đó có 242 lễ hội truyền thống và 1 lễ hội văn hóa. Đặc biệt, Ninh Bình có 2 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Hoa Lư và Lễ hội làng Bình Hải.

Ngành Văn hóa, Thể thao đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học đối với Lễ hội Báo bản Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo đề nghị của Cục Di sản văn hóa; đang xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn), Lễ hội bánh dày đình Lục Giáp (xã Yên Thành, huyện Yên Mô).

Các lễ hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lễ hội làng, thôn, bản với quy mô nhỏ, tập trung vào dịp đầu Xuân, thời gian tổ chức ngắn, thu hút sự tham gia chủ yếu của người dân tại các thôn, xóm, bản, xã, phường, thị trấn nơi có di tích và lễ hội.

Một số lễ hội như: Lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội Báo bản, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ… thường xuyên thu hút một lượng lớn khách tham quan, chiêm bái. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Trong những năm qua, loại hình du lịch tâm linh với các loại hình văn hóa tín ngưỡng, lễ hội ngày càng phát triển, đã phản ánh đúng hướng việc đầu tư phát triển, lấy việc khai thác tài nguyên di sản văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, có sự tham gia tích cực của người dân. Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích đã chủ động thực hiện đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể tại địa phương. Nghi lễ của lễ hội diễn ra trang nghiêm, giữ được nét truyền thống. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại với sự đa dạng, phong phú về loại hình, gắn với đặc trưng vùng miền như: Hát xẩm, hát chèo, chầu văn, ca trù, trống nhảy, cồng chiêng, múa sạp… Các hoạt động phần hội được tổ chức kết nối nhuần nhuyễn với các nghi thức phần lễ tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của lễ hội, góp phần tạo môi trường văn hóa lễ hội truyền thống tốt đẹp, văn hóa đặc sắc của con người và vùng đất Cố đô. Từ hoạt động của các lễ hội và sự tham gia tích cực của người dân cũng cho thấy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của dân tộc trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực bảo tồn, phát huy.

Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

Ninh Bình là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 16/3/2012 của Tỉnh ủy Ninh Bình về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức và quản lí lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình"; Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 11/3/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; các huyện, thành phố có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Sở Văn hóa và Thể thao đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác quản lý và tổ chức lễ hội dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Năm 2023, đã kiểm tra 23 di tích, cơ sở thờ tự, lễ hội tại 8 huyện, thành phố. Qua kiểm tra, về cơ bản các Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích đều chấp hành tốt các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Thông qua công tác kiểm tra đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách về việc thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá, thuyết minh về giá trị văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội và các nhân vật được thờ phụng; những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; những mô hình, điển hình tiên tiến trong tổ chức lễ hội... Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tổ chức, quản lý và tham gia các lễ hội.

Trong các năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, việc tổ chức lễ hội tạm dừng do yêu cầu phòng, chống dịch. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các lễ hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia tích cực của Nhân dân. Các lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch, có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tuân thủ các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để đảm bảo cho các hoạt động lễ hội năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn diễn ra văn minh, an toàn, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; phát huy giá trị, ý nghĩa của lễ hội; đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất và người Ninh Bình, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 21/UBND-VP6 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, các quy định khác của pháp luật có liên quan; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực tổ chức lễ hội.

Tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về quản lí, tổ chức lễ hội; về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; không đi lễ chùa, lễ hội trong giờ hành chính nếu không được phân công, không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị.

Phan Hiếu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-dip-dau-xuan/d20240111090138577.htm