Tăng cường cơ sở vật chất giáo dục: Hướng đến chuẩn hóa

Ngành Giáo dục cùng các địa phương đã quan tâm đầu tư, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Trường THPT Đội Cấn (Đại Từ) được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, với quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 1.500 học sinh.

Từ năm học 2023-2024, cùng với Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương), Trường THPT Đội Cấn (Đại Từ) chính thức đi vào hoạt động. Trường THPT Đội Cấn được đầu tư đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, với 2 nhà lớp học 3 tầng (30 phòng học), 1 nhà lớp học bộ môn gồm 3 tầng, nhà hiệu bộ 2 tầng, nhà đa năng 2 tầng và các hạng mục như sân thể thao, nhà vệ sinh, nhà để xe, hàng rào… Công trình có tổng mức đầu tư trên 98 tỷ đồng, với quy mô đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 1.500 học sinh.

Thầy giáo Vương Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đội Cấn, cho biết: Theo đánh giá, việc thành lập Trường THPT Đội Cấn và tuyển sinh từ năm học 2023-2024 đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng về việc học tập của con em nhân dân các xã phía Bắc huyện Đại Từ và một số địa phương lân cận. Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực trong công tác tuyển sinh giữa các trường THTP trên địa bàn.

Cùng với việc đầu tư xây mới trường, lớp học, các địa phương trong tỉnh cũng tập trung các nguồn lực để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Năm học 2023-2024 Trường Tiểu học Mỏ Chè (TP. Sông Công) có 29 lớp, với trên 1.000 học sinh. Trong dịp hè vừa qua, Nhà trường đã được UBND TP. Sông Công bố trí kinh phí sửa chữa nhà lớp học 10 phòng học. Với các phòng học còn lại, Nhà trường đã rà soát, chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình GDPT 2018.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỏ Chè, thông tin: Cùng với hệ thống phòng học, phòng bộ môn, Nhà trường đã sử dụng hiệu quả các trang thiết bị được cấp phát và tổ chức cho giáo viên tự làm đồ dùng dạy học. Nhà trường cũng đã nâng cấp đường truyền để đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc dạy và học.

Thực hiện Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới 1.845 phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; sửa chữa 2.813 phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ khác, với tổng kinh phí trên 1.725 tỷ đồng. Tỷ lệ phòng học kiên cố từ cấp mầm non đến phổ thông của tỉnh hiện đạt 90,3% (vượt 15,3% so với mục tiêu đến năm 2025).

Việc đầu tư cơ sở vật chất các trường học không chỉ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh. Cùng với việc đầu tư nâng cấp các trường học, thời gian qua, Thái Nguyên còn đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, sáp nhập các trường, điểm trường để nâng cao hiệu quả dạy học.

Trường THCS Thành Công (TP. Phổ Yên) mới được đầu tư xây dựng nhà lớp học 3 tầng, góp phần giúp Nhà trường thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018.

Những năm trước đây, do điều kiện giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn, nên mạng lưới trường, lớp của tỉnh đầu tư phân tán, với nhiều điểm trường lẻ, trường học quy mô nhỏ. Nhưng hiện nay, khi điều kiện giao thông thuận lợi, ngành Giáo dục đã phối hợp với các địa phương rà soát, quy hoạch, sắp xếp tổ chức lại ở nơi có đủ điều kiện để hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Giai đoạn 2020-2023, riêng huyện Đại Từ đã thực hiện sáp nhập 6 trường tiểu học vào trường THCS ở các xã Vạn Thọ, Minh Tiến, Phục Linh, An Khánh, Tân Thái và Quân Chu (nay là thị trấn Quân Chu). Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện: Các trường tiểu học sáp nhập vào trường THCS tạo thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Sau sáp nhập, các trường thuận lợi hơn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục và có thêm nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học theo Chương trình GDPT 2018.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 44 trường sáp nhập thành 22 trường; giảm 24 điểm trường so với năm học 2021-2022. Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã giúp tinh gọn, hiệu quả trong nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố đang tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch (với lộ trình cụ thể theo từng năm) đối với các đơn vị đủ điều kiện để thực hiện sáp nhập...

Mặc dù tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, song từ thực tế cho thấy cơ sở vật chất giáo dục hiện nay mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường học. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202308/tang-cuong-co-so-vat-chat-giao-duc-huong-den-chuan-hoa-2b10fdd/