Tăng cường chế tài xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Để nâng cao trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất bổ sung các chế tài: Không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị bằng nguồn vốn của Nhà nước.

Xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thế nào là vấn đề được đặt ra trong việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Để khắc phục bất cập khi xử lý các vụ việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng, xử lý chậm đóng, xử lý trốn đóng để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 vừa được tổ chức, Dự thảo Luật trình các đại biểu đã được tiếp thu theo hướng chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn với đơn vị sử dụng lao động chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bởi vì việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả người lao động và doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa. Ảnh: VGP)

Về chế tài tạm hoãn xuất cảnh, dự thảo Luật đã bổ sung tại khoản 4 Điều 40 theo hướng không quy định trực tiếp mà dẫn chiếu quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn tỉnh Hưng Yên) cho rằng, về xử lý vi phạm chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc dự thảo Luật bỏ chế tài ngừng sử dụng hóa đơn với người sử dụng lao động là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Để tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, và nâng cao hơn nữa trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất bổ sung các chế tài: Không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị bằng nguồn vốn của Nhà nước; không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo, học nghề cho người lao động… nhằm tăng tính răn đe với người sử dụng lao động cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế) đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi chiếm dụng đối với cả tiền đóng bảo hiểm xã hội chứ không chỉ tiền hưởng bảo hiểm xã hội, nghiêm cấm chiếm dụng với cả loại hình bảo hiểm thất nghiệp, chứ không chỉ với bảo hiểm xã hội, bởi thực tế có những đơn vị sử dụng lao động vẫn trích, trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương, nhưng lại chậm đóng cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Đồng thời, để đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung một khoản tại Điều 34 dự thảo Luật, quy định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ thông tin tình hình đăng ký, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến phải thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, nhằm quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng, đồng thời, tạo cơ chế kiểm soát hoàn chỉnh của các loại hình bảo hiểm xã hội.

Về các biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị, bổ sung việc không xét tham dự đấu thầu các công trình, dự án do ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài.

Đồng thời, bổ sung quy định về xử lý hành chính tại khoản 2 Điều 39 theo hướng không chỉ xử lý hành chính mà cần truy cứu trách nhiệm hình sự, vì Điều 216 Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh chậm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay chưa có quy định, nên cần nghiên cứu bổ sung cho thống nhất.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-che-tai-xu-ly-cham-dong-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-168284.html