Tăng cường các biện pháp phòng cháy rừng

Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh được các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu, nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ cao cháy rừng bất cứ lúc nào. Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác PCCCR hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy rừng gây ra, tỉnh đã triển khai nhiều phương án nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng cháy rừng.

Lực lượng Kiểm lâm tuyên truyền cho chủ rừng về công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Hiện toàn tỉnh có gần 188.000ha rừng, trong đó, diện tích đất rừng sản xuất hơn 120.000ha, rừng phòng hộ hơn 32.000ha, rừng đặc dụng trên 16.000ha. Diện tích rừng tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng. Trong quý I, đã xảy ra 2 vụ cháy rừng, diện tích cháy 0,4ha, do người dân xử lý thực bì sau khai thác bất cẩn gây cháy lan tại huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy. Tuy nhiên, với việc chủ động phòng ngừa, ứng phó từ cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ” đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Với diện tích rừng trồng lớn nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn do tốc độ phát triển trồng rừng sản xuất tăng cao; tác động của con người vào rừng khá lớn; bên cạnh đó, thời tiết vào những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCCR. Đặc biệt, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, làm tăng nguy cơ cháy rừng; trong khi đó, các hoạt động đốt xử lý thực bì, đốt hương, vàng mã,... và một số tác nhân khách quan khác là mối đe dọa cháy rừng tại các địa phương bất kỳ lúc nào.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Xuân Sơn bàn phương án tuần tra, bảo vệ rừng mùa nắng nóng.

Để chủ động PCCCR, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp PCCCR. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao. Theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng trên website của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn, website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: nchmf.gov.vn; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống tin nhắn SMS của Chi cục Kiểm lâm để kiểm tra phát hiện sớm điểm cháy rừng và có biện pháp xử lý kịp thời...

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh, cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Chị cục Kiểm lâm đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, trực phòng cháy, hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra, đặc biệt dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Trong những ngày cao điểm nắng nóng, khô hanh kéo dài duy trì đảm bảo quân số bám nắm địa bàn, thường trực 24/24h; thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng; có phương án chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời khống chế các vụ cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. Đồng thời, chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị... sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chay-rung-211064.htm