Tăng cường các biện pháp bảo vệ 'đầu cơ nghiệp'

Những ngày này, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa to, có nơi xảy ra băng giá. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương cùng nhân dân đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống rét nhằm bảo vệ đàn gia súc.

Cán bộ xã Pha Long (Mường Khương) hướng dẫn người dân chăm sóc gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Cán bộ xã Pha Long (Mường Khương) hướng dẫn người dân chăm sóc gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Ngày 21/2, tại xã Pha Long (Mường Khương), thời tiết rét đậm, sương mù giăng kín lối, gió lùa từng cơn buốt giá. Mặc cho mưa rét thấu xương, các hộ dân vẫn đi cắt cỏ, che chắn chuồng nuôi bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của gia đình.

Hộ chị Lồ Phù Sến, thôn Sả Chải có 3 con trâu, ngày nào chị cũng xem dự báo thời tiết để có những biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn trâu của gia đình. Mấy ngày qua, khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 3 độ C, chị đã chủ động quây kín chuồng về đêm, ban ngày cho trâu ăn uống đầy đủ các loại thức ăn như rơm khô, cỏ, cháo và uống nước muối ấm. Khi trời nắng hửng, chị Sến mới thả trâu ra đưa đi chăn.

Chị Lồ Phù Sến, xã Pha Long nấu cám cho trâu ăn để tăng cường sức đề kháng, chống lại giá rét.

Chị Lồ Phù Sến, xã Pha Long nấu cám cho trâu ăn để tăng cường sức đề kháng, chống lại giá rét.

Theo kinh nghiệm của chị Sến, ngoài việc che chắn và cho ăn uống đầy đủ, thì cũng hạn chế đốt rơm, củi sưởi ấm gần chuồng, vì nếu thường xuyên sưởi ấm khi vật nuôi ra ngoài sẽ bị “sốc nhiệt” không chịu được giá lạnh. Nhờ cách làm đó mà đàn trâu của gia đình luôn khỏe mạnh.

Còn tại xã Tả Ngài Chồ, nơi có tổng đàn trâu bò gần 700 con, rút kinh nghiệm các năm trước, xã đã hướng dẫn bà con chủ động chuẩn bị phòng, chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc ngay từ đầu mùa đông. Theo đó, xã đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân dự trữ rơm, bi ngô, cỏ khô, tu sửa chuồng nuôi. Cán bộ xã đến từng hộ chăn nuôi hướng dẫn người dân phương pháp chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc, đặc biệt là không chăn thả gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Hộ chăn nuôi xã Tả Ngài Chồ dự trữ thức ăn xanh cho gia súc trong những ngày giá rét.

Hộ chăn nuôi xã Tả Ngài Chồ dự trữ thức ăn xanh cho gia súc trong những ngày giá rét.

Huyện Mường Khương có trên 4.600 hộ chăn nuôi tổng đàn gia súc trên 42.200 con. Mọi biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc được huyện chủ động triển khai tuyên truyền, vận động đến nông dân ngay từ khi chớm đầu mùa đông. Hiện có trên 4.300 hộ chăn nuôi (chiếm 93% tổng số hộ chăn nuôi toàn huyện) dự trữ thức ăn cho gia súc. Chính sự chủ động của người chăn nuôi đã bảo đảm cho đàn trâu, bò phát triển tốt. Nhiều năm qua trên địa bàn huyện không có tình trạng trâu, bò bị chết đói, chết rét do thiếu thức ăn.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết: Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Để bảo vệ đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, cán bộ nông nghiệp và các địa phương vận động các gia đình mua bạt để che mái, quây xung quanh chuồng chống gió lùa. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết vùng cao, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phải thường xuyên đôn đốc, tuyên truyền hộ dân không lơ là, chủ quan và thực hiện tốt nhất các biện pháp bảo vệ đàn gia súc.

Chủ động nuôi nhốt gia súc trong những ngày giá rét.

Chủ động nuôi nhốt gia súc trong những ngày giá rét.

Thị xã Sa Pa là địa phương có quy mô đàn gia súc lớn và cũng là nơi có nền nhiệt độ thấp nhất trong những ngày gần đây; mọi biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc đang được chính quyền và nhân dân quyết liệt thực hiện. Các khuyến nông viên, thú y cơ sở tăng cường công tác bám nắm địa bàn, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc như gia cố, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và sưởi ấm cho gia súc khi rét đậm, rét hại.

Ngay từ đầu vụ rét, UBND các phường, xã đã yêu cầu hộ dân đăng ký số lượng gia súc cần “sơ tán” khi thời tiết rét đậm, rét hại, từ đó có kế hoạch liên hệ với các địa phương và chuẩn bị bãi chăn thả, chuồng tạm… nên việc di chuyển đàn gia súc đi tránh rét được thực hiện thuận lợi.

Người dân phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) di chuyển đàn trâu đi tránh rét.

Người dân phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) di chuyển đàn trâu đi tránh rét.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Tổng đàn đại gia súc của thị xã Sa Pa hiện có trên 13.900 con; trong đó có 10.200 con trâu và trên 3.700 con bò, ngựa. Trên 90,8% hộ chăn nuôi đã có chuồng trại giữ ấm gia súc, số hộ thực hiện dự trữ thức ăn cho gia súc đạt 73,3%. Để tránh thiệt hại, người dân thị xã Sa Pa vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp để bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của gia đình.

Theo thống kê, đàn trâu của tỉnh hiện có trên 107.000 con, đàn bò gần 23.000 con, cùng hàng trăm nghìn con gia súc khác; trong khi có tới trên 60% số lượng đàn gia súc đang được nuôi tại các huyện vùng cao của tỉnh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt rét đậm, rét hại này còn kéo dài sang tháng 3, người dân vùng cao các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần tiếp tục nỗ lực chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353267-tang-cuong-cac-bien-phap-bao-ve-dau-co-nghiep