TAND TP.HCM: Đã khắc phục hiện tượng 'án tại hồ sơ'

Theo báo cáo tổng kết thi hành thực tiễn BLTTDS 2015 của TAND TP.HCM, bản án đều căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, khắc phục hiện tượng 'án bỏ túi', 'án tại hồ sơ'...

Hôm nay (22-8), TAND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Tham dự hội nghị có các lãnh đạo, Ủy ban thẩm phán, thẩm phán... của TAND TP.HCM; lãnh đạo, thẩm phán của TAND các quận, huyện, TP thuộc TAND hai cấp TP.HCM.

Ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Phát biểu khai mạc, ông Quách Hữu Thái (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho biết, sau hơn 6 năm thi hành, các quy định của BLTTDS năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu chung của công tác thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự. Đồng thời, BLTTDS tạo điều kiện tốt cho người tham gia tố tụng thực hiện, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình...

Ngoài ra, theo báo cáo tổng kết thi hành thực tiễn BLTTDS 2015 của TAND TP.HCM, về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, BLTTDS năm 2015 cũng có quy định mới và hoàn thiện hơn về thời hạn giao nộp chứng cứ, về phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nhằm triển khai có hiệu quả và đáp ứng nội dung quy định của nguyên tắc tranh tụng...

Quá trình tố tụng theo quy định của BLTTDS năm 2015 đã thể hiện được tính dân chủ, bình đẳng, bảo đảm các đương sự đều thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong tố tụng... Bản án đều căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; khắc phục hiện tượng “án bỏ túi" hoặc “án tại hồ sơ", ít coi trọng diễn biếnphiên tòa...

Phó Chánh án TAND TP.HCM Quách Hữu Thái. Ảnh: YC

Phó Chánh án TAND TP.HCM Quách Hữu Thái. Ảnh: YC

Cũng tại hội nghị, ông Thái nêu một số vướng mắc trong quá trình thực thi BLTTDS 2015, trong đó là tình trạng khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Phó Chánh án TAND TP.HCM cho biết, hầu như vụ việc nào sau khi xử phúc thẩm (hơn 90%) cũng có đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo ông hiện nay thủ tục này như một cấp xét xử chứ không còn là một thủ tục đặc biệt nữa. Vì vậy, cần quy định rõ thủ tục hay án phí như thế nào để đảm bảo hai cấp xét xử.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị cũng trình bày nhiều tham luận liên quan đến việc thi hành BLTTDS và đưa ra những góp ý, đóng góp để tiến đến hoàn thiện BLTTDS...

Kết thúc hội nghị, ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) cho biết đã ghi nhận tất cả các ý kiến của các đại biểu. Ông Phong đề nghị, sau hội nghị các đơn vị tiếp tục có ý kiến góp ý gửi về tổ tham mưu để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành BLTTDS.

Kết quả thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự tại TAND TP.HCM

Theo báo cáo của TAND TP.HCM, từ ngày 1-10-2022 đến 31-7-2023, về số vụ án dân sự nói chung (bao gồm dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) đã thụ lý và đã giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm, TAND hai cấp TP đã giải quyết 27.466/50.103 vụ việc, đạt tỷ lệ 54,82%.

Số vụ án dân sự nói chung đã thụ lý và đã giải quyết, xét xử theo thủ tục phúc thẩm, TAND TP đã giải quyết đạt tỷ lệ 78,14%.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tand-tphcm-da-khac-phuc-hien-tuong-an-tai-ho-so-post747990.html