TAND Tối cao giải đáp vướng mắc xét xử liên quan đến việc lừa bán đất

TAND Tối cao vừa ban hành công văn giải đáp vướng mắc trong xét xử, trong đó có tình huống lừa bán đất.

TAND Tối cao vừa ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong công tác xét xử. Công văn đã giải đáp nhiều vấn đề, trong đó có tình huống lừa bán đất.

Cụ thể, Nguyễn Văn A là người có quyền sử dụng thửa đất thổ cư tại thành phố H. Năm 2017, A chuyển nhượng thửa đất trên cho anh Trần Văn B với giá 5 tỷ đồng, hợp đồng chuyển nhượng được công chứng theo đúng quy định của pháp luật, A đã nhận đủ tiền theo hợp đồng. Do bận công tác, anh B chưa nhận giấy tờ và nhờ A làm giúp thủ tục sang tên.

Một dự án vi phạm quy định về chuyển nhượng trong một vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại TP Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Năm 2018, A lợi dụng việc anh B đi công tác xa, chủ động tìm gặp và bán thửa đất trên cho anh Hoàng Văn C với giá 3,5 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền cho A, anh C đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi anh C triển khai xây dựng công trình trên đất thì anh B phát hiện và làm đơn tố giác đến cơ quan điều tra. A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 của BLHS; giá trị thửa đất được định giá là 4 tỷ đồng. Trường hợp này, việc xác định bị hại và tài sản chiếm đoạt là như thế nào?

Trả lời, TAND Tối cao cho rằng A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại là anh C vì hợp đồng chuyển nhượng giữa A và anh B được xác lập trước và hợp pháp theo quy định tại Điều 117 và Điều 401 của BLDS năm 2015 (hợp đồng đã được công chứng, chứng thực, anh B đã thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền, A đã nhận đủ tiền). Việc A tiếp tục bán đất cho anh C là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của anh C. Do đó, tài sản bị chiếm đoạt là 3,5 tỷ đồng mà A đã nhận của anh C.

Một vướng mắc khác được tòa án địa phương đặt ra là trường hợp bị cáo có hành vi nhờ người khác làm giả giấy đi đường, sau đó sử dụng giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Trường hợp này, hành vi của bị cáo phạm hai tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức hay tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Giải đáp, TAND Tối cao cho rằng Điều 341 BLHS quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Đây là hai tội danh độc lập được quy định trong cùng một điều luật. Nếu các hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành hai tội này thì bị cáo phải bị truy tố, xét xử với hai tội danh độc lập, sau đó tổng hợp hình phạt.

Trường hợp bị cáo không phải là người trực tiếp làm giả giấy đi đường chỉ có hành vi nhờ người khác làm giả giấy đi đường, sau đó sử dụng giấy đi đường để thực hiện hành vi trái pháp luật thì phạm tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nếu có đủ yếu tố thành tội phạm, mà không cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tand-toi-cao-giai-dap-vuong-mac-xet-xu-lien-quan-den-viec-lua-ban-dat-post755178.html