Tân Thủ tướng Thái Lan tuyên thệ nhậm chức, đối mặt nhiệm vụ nặng nề

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và Nội các của ông đã tuyên thệ nhậm chức vào hôm nay (5/9), gần 4 tháng sau cuộc tổng tuyển cử.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu, bên cạnh các thành viên Nội các mới, trong cuộc họp báo ở Bangkok. Ảnh: REUTERS

Ông Srettha và 33 Bộ trưởng đã tuyên thệ trung thành trước Quốc vương Maha Vajiralongkorn tại một buổi lễ truyền thống được tổ chức ở cung điện hoàng gia tại Bangkok.

Ông Srettha sẽ có bài phát biểu công bố chính sách ưu tiên của Chính phủ mới tại phiên họp chung của Quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 11/9 tới, sau đó là cuộc họp Nội các chính thức đầu tiên vào 1 ngày sau đó.

Nhiệm vụ trước mắt đang chờ đợi ông Srettha - người cũng sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát Bộ tài chính - sẽ bao gồm việc quyết toán ngân sách nhà nước cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 tới. Chính phủ liên minh của ông Srettha đang phải đối mặt với nhiệm vụ tái khởi động nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á trong bối cảnh lãi suất tăng và xuất khẩu chậm lại.

Nền kinh tế Thái Lan trong quý II/2023 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo, cho dù tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch mạnh. Điều này là do hoạt động xuất khẩu sụt giảm đáng kể, cũng như sự chậm trễ trong quá trình thành lập chính phủ mới ở quốc gia Đông Nam Á này.

Giới phân tích nhận định tình trạng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan có thể sẽ trầm trọng hơn nữa trong nửa cuối năm 2023, do viễn cảnh kinh tế "kém sáng sủa" của Trung Quốc.

Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) hôm 21/8 công bố số liệu cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2023 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này thấp hơn so với mức ước tính trung bình 3% mà khảo sát của Bloomberg từng ghi nhận.

Trong một thông báo, NESDC nhận định: "Tiêu dùng của khu vực tư nhân là nhân tố chính giúp nền kinh tế tăng trưởng, mặc dù đầu tư tư nhân và hoạt động xuất khẩu sụt giảm".

Trước thềm lễ nhậm chức, Chính phủ mới đã công bố kế hoạch cắt giảm giá năng lượng, giá vé tàu hỏa trong thành phố và tạm thời đình chỉ trả nợ cho nông dân, như một phần trong một loạt các biện pháp nhằm giảm chi phí sinh hoạt cũng như thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế trị giá hơn 500 tỷ USD.

Đảng Pheu Thai của ông Srettha, lãnh đạo liên minh 11 đảng, đã cam kết thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ tiền mặt trị giá 16 tỷ USD cho khoảng 55 triệu người Thái từ 16 tuổi trở lên. Theo tân Thủ tướng Thái Lan, một kế hoạch có tên là "ví kỹ thuật số" sẽ ra đời, nhằm mục đích kích thích tiêu dùng và đầu tư.

Chính phủ mới cũng dự kiến sẽ tăng tốc đẩy nhanh quá trình thực hiện 3 vấn đề chính, bao gồm: sửa đổi hiến pháp, tập trung vào việc duy trì chế độ Quân chủ lập hiến; đưa ra thời hạn hoãn nợ lên tới 3 năm cho nông dân và 1 năm cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; và giảm giá năng lượng cũng như chi phí sinh hoạt.

Ông Srettha được bầu làm Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8 vừa qua, sau khi Pheu Thai đạt được thỏa thuận với các đảng được quân đội hậu thuẫn và ủng hộ phe bảo Hoàng, nhằm giành được sự ủng hộ của Thượng viện có nhiều ảnh hưởng đối với cựu ông trùm bất động sản.

Thỏa thuận này cũng chứng kiến cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra - lãnh đạo trên thực tế của Pheu Thai - hồi hương sau 15 năm sống lưu vong và được Hoàng gia ân xá một phần.

Trong khi đảng Move Forward mới nổi đã giành được nhiều ghế và số phiếu phổ thông nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, nỗ lực của lãnh đạo Pita Limjaroenrat để vươn lên nắm quyền với tư cách là người đứng đầu liên minh các đảng ủng hộ dân chủ đã vấp phải sự cản trở của Thượng viện. Thượng viện và các đảng ủng hộ chính quyền đã phản đối kế hoạch sửa đổi luật xúc phạm Hoàng gia gây tranh cãi của Move Forward.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tan-thu-tuong-thai-lan-tuyen-the-nham-chuc-doi-mat-nhiem-vu-nang-ne.html