Tận mắt xem thợ thủy tinh làm chiếc cốc uống bia hơi huyền thoại

Với người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, uống bia hơi phải là cốc thủy tinh mới cảm nhận hết sự tinh túy và một trong những nơi sản xuất những chiếc cốc thủ công đó nhiều đời nay là thôn Xối Trì, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Nghề thổi thủy tinh làm cốc tại thôn Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã trải qua nhiều đời, nhưng nay chỉ còn 3 hộ dân vẫn giữ lửa nghề.

Những năm 60, bằng những công cụ thô sơ, người dân thôn Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã sản xuất ra những đồ dùng bằng thủy tinh từ đơn giản như cốc, chai, lọ, bóng đèn… đến vật trang trí cầu kỳ, đòi hỏi có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Thế nhưng thời kỳ huy hoàng của thủy tinh thủ công cũng dần biến mất. Thay vào đó, thủy tinh Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh thị trường với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, thứ còn lại để người dân nơi đây tiếp tục giữ lửa nghề là những chiếc cốc uống bia rẻ tiền, mẫu mã không đẹp.

Ông Trần Văn Duyên (53 tuổi) - người đã có gần 20 năm làm nghề thổi thủy tinh tại thôn Xối Trì, xã Nam Thanh - cho biết, hiện tại, trong thôn chỉ còn 3 hộ theo nghề này. Cũng theo ông Duyên, để sản xuất được một sản phẩm ứng ý, người thợ phải biết cảm nhận độ "chín" của thủy tinh. Thời gian đạt độ nóng chuẩn của thủy tinh rất ngắn, người thợ phải khéo để nắm bắt được thời điểm, thổi cho thủy tinh có hình dạng như ý muốn.

Nguyên liệu sản xuất cốc thủy tinh gồm các mảnh thủy tinh vỡ vụn, mảnh sành được thu mua ở những cơ sở làm kính.

Thủy tinh sau khi được phân loại sẽ đưa vào lò nung nóng. Trung bình, mỗi mê thủy tinh được nấu 6 - 7 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ C) thì những mảnh thủy tinh sẽ tan chảy thành thể lỏng.

Lúc này, người thợ cầm ô sắt lấy thủy tinh và bắt đầu thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước… có sẵn.

Mỗi dây chuyền sản xuất cốc thủy tinh có 5 thợ thổi hơi tạo dáng cốc, 1 thợ cắt miệng cốc, 1 thợ ủ tro để cốc nguội từ từ. Mỗi người sẽ sử dụng chiếc ống kim loại khoảng 1m, lấy thủy tinh nóng chảy từ lò ra, liên tục lăn khối thủy tinh trên bề mặt phẳng đã bôi chút mỡ để tạo độ trơn, nhẵn, bóng và tạo khối trụ cho chiếc cốc. Sau đó, người thợ dùng miệng thổi vào một đầu ống thổi khối thủy tinh đang nóng để giãn nở theo ý muốn và nhanh chóng đưa khối thủy tinh vào khuân.

Sản phẩm được định hình trong khuôn lập tức được chuyển sang máy thổi giảm nhiệt rồi mới đến khâu cắt miệng. Các sản phẩm sẽ được cắt tùy theo mẫu mã.

Người thợ cắt miệng sản phẩm mới làm ra ngồi bên bếp lửa nóng rực, có trách nhiệm thực hiện công đoạn cắt mép, làm tròn miệng nếu là cốc.

Sau khi hoàn thành các công đoạn, một người sẽ chịu trách nghiệm mang những chiếc cốc đỏ rực vùi vào tro rơm để hạn nhiệt từ từ, tránh tình trạng nứt, vỡ. Thời gian ủ kéo dài khoảng 12 - 15 tiếng.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tan-mat-xem-tho-thuy-tinh-lam-chiec-coc-uong-bia-hoi-huyen-thoai-d198252.html