Tản mạn chút chơi

Hơn 40 năm về trước, có người bạn Huế hỏi tôi: 'Anh lợi đây có mình ên hả'. Nghe cô bạn sử dụng phương ngữ miền Nam Bộ thấy cưng quá!'. Phải là người chơi thân với dân Hai Lúa mới rành rẽ như vậy.

Nhớ lại, lúc tôi học đệ lục, có một bạn trong lớp làm tập làm văn dùng chữ mình ên trong bài luận. Cô giáo người Huế khi chấm điểm bài luận cứ thắc mắc về hai chữ này bởi chưa từng nghe bao giờ và không hiểu nghĩa là gì. Chừng nghe em trả lời cô hết sức thích thú, chữ nghĩa của dân ta thật phong phú. Người dân Sóc Trăng, Bạc Liêu, nơi có đông bà con Khmer sinh sống thường hay nói mình ên, thí dụ như: “Trưa nay, tôi ăn cơm có mình ên nên thấy không ngon!”. Thời còn con nít, trẻ em chúng tôi thường nghêu ngao: “Con cút cụt đuôi ai nuôi mày lớn/ Dạ thưa bà, con lớn mình ên”. Thay vì nói “Trời ơi!” thì bà con hay nói “Mèn ơi” nghe thiệt đã: “Mèn ơi, hôm nay ông trời ổng mưa hoài”. Tôi thấy hai tiếng mèn ơi nghe dễ thương hết sức!

Mỗi vùng miền ở nước ta đều có phương ngữ riêng biệt, rất đặc sắc. Trải qua thời gian dài, do nhiều lý do có không ít phương ngữ không còn được sử dụng nữa. Đọc truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884 - 1958), nhiều người lớn tuổi rất thích nhưng lớp thế hệ sau không hiểu, nhiều từ ngữ chưa được nghe bao giờ. Nên nhớ văn của ông xuất hiện trong giai đoạn chữ Quốc ngữ hình thành được chưa lâu, viết được như thế là xuất sắc lắm rồi.

Ngày trước, nhà văn Phi Vân (1917 - 1977) viết tác phẩm “Đồng quê” dùng nhiều từ ngữ miền lục tỉnh đã làm không ít người đọc rất thích thú. Ông thật hóm hỉnh “Trao thân con khỉ mốc”. Tại sao trao thân con khỉ mốc mà không trao thân cái gì khác. Con khỉ mốc hình dạng nó ra sao, chưa ai thấy bao giờ! Kỳ thực có trao thân cái gì đâu, con khỉ mốc chỉ là cách nói biểu lộ việc không đồng tình.

Đọc văn của Sơn Nam (1926 - 2008), ông dùng nhiều từ ngữ miền Hậu Giang rất thuần thục. Phần nhiều người miền Nam rất thích truyện ngắn của ông vì thấy phần nào hình bóng của quê nhà một thời đã qua trong trang viết. Những người ở vùng miền khác khi nghe “Động dao động thớt” có thể sẽ không hiểu là gì, Thí dụ: “Mèn ơi, bà đó trong xóm động dao động thớt gì bả cũng co giò chạy đi coi hết trọi”. Bạn có để ý không, ông Sơn Nam dùng nhiều phương ngữ miền Nam trong các tác phẩm của ông nhưng rất phù hợp trong bối cảnh của câu chuyện, tính cách của nhân vật và không lạm dụng. Cái tài của người viết là ở chỗ đó. Sử dụng phương ngữ trong văn chương cũng chỉ ở mức độ vừa phải giống như đầu bếp nêm nếm món ăn phải chừng mực. Có một số ít tác giả trẻ bắt chước lối viết của ông nhưng hơi lạm dụng phương ngữ gây phản tác dụng làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Trong kho tàng văn chương bình dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều ca dao, tục ngữ phản ảnh sinh hoạt, đời sống văn hóa của người dân ở vùng này. Nhiều phương ngữ được sử dụng không thể lẫn lộn ở nơi khác: “Trống treo, ai dám đánh thùng/ Bậu không ai dám giở mùng chun vô”. Trong đời sống hàng ngày, nhiều phương ngữ hiện diện trong lời ăn tiếng nói: chụp ếch, cầu khỉ, mò tôm, chạy bán mạng, nước nhảy, nước đứng, rành 6 câu vọng cổ...

Hồi ngoại tôi còn sống, tôi thường được nghe ngoại tôi ru các cháu ngủ: “Nước không chân sao gọi là nước đứng/ Cá không thờ sao gọi cá linh?”.

Phương ngữ góp phần làm cho tiếng Việt thêm phong phú. Trải qua thời gian dài dù có mất đi một số nhưng đã có sự bổ sung cần thiết phù hợp với nhịp sống xã hội. Các thế hệ trẻ nên cố gắng cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa của người đi trước đã tạo ra. Đó là vốn quý của dân tộc, những đóa hoa ấy tuy đơn sơ và mộc mạc nhưng tràn đầy hương sắc.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/tan-man-chut-choi-58782.html