Tận hưởng nhiều tiện ích khi sử dụng mã QR

Nhận thấy sự tiện lợi khi sử dụng mã QR, các địa phương và cơ sở kinh doanh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa mã QR ra phố. Từ đó, người dân thuận lợi trong việc thực hiện các giao dịch không cần sử dụng tiền mặt hoặc tra cứu các thông tin về sản phẩm cùng nhiều hoạt động khác, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số.

Khách hàng thanh toán bằng cách quét mã QR tại một cửa hàng trên địa bàn TP.Tân An

Tiện lợi, nhanh chóng

Khi uống một ly cà phê, mua hàng ở chợ truyền thống hay mua sắm trong cửa hàng tiện ích, siêu thị,... mà không cần dùng tiền mặt vẫn thực hiện giao dịch thành công là tiện ích của mã QR. Phương thức thanh toán này vừa tiện lợi, vừa nhanh chóng nên được nhiều khách hàng lựa chọn.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ Cửa hàng bách hóa tổng hợp Kim Ngân (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An), chia sẻ: “Nhiều khách hàng lựa chọn thanh toán hóa đơn bằng cách quét mã QR. Bởi phương thức này không cần nhập thông tin tài khoản của người mua hàng, số thẻ hay số tài khoản giống như các phương thức thanh toán khác mà chỉ cần quét mã QR và nhập số tiền thanh toán. Giao dịch hoàn thành nhanh chóng trong vài giây, tôi cũng không phải chuẩn bị nhiều tiền lẻ để trả lại cho khách và không cần để nhiều tiền mặt tại cửa hàng”.

Thành Đoàn Tân An thực hiện Công trình thanh niên Số hóa tên đường

TP.Tân An bắt đầu triển khai, thực hiện Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt từ tháng 10/2023. Hoạt động này được triển khai tại các tuyến đường trên địa bàn phường 1, 2, 3. Bí thư Thành Đoàn Tân An - Nguyễn Thanh Phúc thông tin: “Chúng tôi phối hợp triển khai hướng dẫn, hỗ trợ người dân, cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp liên kết các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán và các đơn vị có liên quan thiết lập mã tài khoản QR để thực hiện các cách thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là phương thức tiện lợi giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các giao dịch. Khi muốn mua sắm với số tiền lớn, người dân cũng an tâm vì không phải giữ tiền mặt”.

Nhiều doanh nghiệp, chủ cửa hàng cũng đã tích hợp mã QR Zalo để truy nguồn gốc, xuất xứ, thông tin sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện nhằm tạo niềm tin cho khách hàng. “Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh là chúng ta có thể biết được thông tin sản phẩm và mua hàng mọi lúc, mọi nơi mà không cần mang theo tiền mặt hay thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, lại không lo bị đánh cắp thông tin tài khoản” - anh Đặng Hoàng Phong (phường 2, TP.Tân An) nhận định khi thực hiện các giao dịch thông qua mã QR.

Xung kích, sáng tạo

Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của thanh niên trong tham gia chuyển đổi số, Thành Đoàn Tân An đi đầu trong thực hiện Công trình thanh niên Số hóa di tích lịch sử và Số hóa tên đường. Hiện thành phố có 9/9 di tích lịch sử và 20 tuyến đường được gắn mã QR. Qua đó, giúp người dân khi đến tham quan khu di tích lịch sử không cần người thuyết minh mà vẫn tìm hiểu được hình ảnh, thông tin chi tiết về di tích bằng cách quét mã QR.

Việc gắn mã QR trên các tuyến đường giúp người dân thuận tiện khi muốn biết về lịch sử, vị trí, chiều dài, lộ giới cùng tiểu sử của danh nhân được đặt tên đường. Nội dung tra cứu sẽ được trích xuất thành file ảnh thể hiện thông tin.

Huyện Đoàn Cần Giuộc ra mắt Công trình thanh niên Theo bước chân Người

Tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số thông qua việc sử dụng mã QR phải kể đến là Huyện Đoàn Cần Giuộc. Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết: “Nhằm góp phần quảng bá du lịch, Huyện Đoàn thực hiện công trình Số hóa di tích lịch sử. Huyện Đoàn xây dựng các bảng gắn mã QR liên kết đến thông tin giới thiệu các di tích lịch sử để người dân, du khách thuận tiện truy cập và tìm hiểu về các di tích.

Công trình thanh niên Theo bước chân Người cũng được Huyện Đoàn triển khai hiệu quả. Thông qua các mô hình logo Đoàn, ứng dụng chuyển đổi số khi tích hợp tất cả thông tin và mã hóa thành các mã QR được khắc trên các logo, giúp đoàn viên, học sinh có thể tiếp cận giá trị lịch sử đầy đủ. Công trình giúp giáo dục, rèn luyện cho thế hệ trẻ về những giá trị cao đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như quá trình hình thành và phát triển của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”.

Công trình Thư viện số được Huyện Đoàn Cần Giuộc tích cực triển khai giúp người dân dễ dàng cập nhật, tra cứu thông tin khi cần thiết

Nhằm góp sức vào công cuộc chuyển đổi số, các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện còn triển khai 2 công trình Tuyến đường số. Theo đó, Đoàn cơ sở lắp 2 bảng có mã QR ở đầu và cuối các tuyến đường: Phạm Thị Kiều, Huỳnh Thị Dậu và Lê Thị Tám (ấp Tân Điền, xã Long Thượng) và Dương Thị Ngọc Hoa (ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành). Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR được gắn trên biển tên đường, người dân sẽ nắm được thông tin về tiểu sử của nhân vật được đặt tên đường.

Các cơ sở Đoàn còn triển khai 8 công trình Thư viện số bằng việc thiết kế các sản phẩm infographic dạng cây thư mục sử dụng tích hợp mã QR đến các bộ thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật người dân thường cập nhật. Công trình được đặt tại UBND xã, công viên xã và các tuyến đường giao thông nông thôn, giúp người dân dễ dàng cập nhật, tra cứu thông tin khi cần thiết.

Hoạt động đưa mã QR ra phố giúp người dân dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán và các hoạt động khác. Qua đó, thúc đẩy triển khai, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, áp dụng nền tảng công nghệ số cũng như hình thành xã hội số./.

Quang Nguyên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tan-huong-nhieu-tien-ich-khi-su-dung-ma-qr-a170640.html