Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể đoàn kết lưỡng đảng?

Các nhà lập pháp tại cơ quan dân biểu Mỹ đã bầu Hạ nghị sĩ ít được biết đến Mike Johnson của bang Louisiana làm Chủ tịch thứ 56 của Hạ viện, chấm dứt hơn 3 tuần rối loạn và tê liệt ở Đồi Capitol.

Mike Johnson là ai?

Sau nhiều tuần hỗn loạn, cả nhóm cực hữu và nhóm chính thống của Đảng Cộng hòa đã thể hiện sự đoàn kết hiếm có: Tất cả 220 đảng viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ông Johnson. Trong khi đó, tất cả 209 đảng viên Đảng Dân chủ vẫn nhất trí bỏ phiếu cho Lãnh đạo thiểu số của mình, ông Hakeem Jeffries.

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson sau khi được bầu ngày 25.10. Ảnh: AP

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson sau khi được bầu ngày 25.10. Ảnh: AP

Điều này đánh dấu một sự thăng tiến “đáng kinh ngạc” đối với đồng minh bảo thủ của cựu Tổng thống Donald Trump: Từ một thành viên cấp thấp trong đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện trở thành nhân vật quyền lực thứ 3 sau Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, mặc dù là một nhà lập pháp ít quan trọng trong Quốc hội trong chưa đầy một thập kỷ, tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson lại là một thế lực thầm lặng của Đảng Cộng hòa mà ông hiện đang bất ngờ lãnh đạo. Quan trọng nhất là nhân vật này có thể giành được cả 220 phiếu bầu để trở thành Chủ tịch tại Hạ viện. Đó là điều mà không một đồng nghiệp có thể làm được, khi Đảng Cộng hòa đã phải vật lộn trong hơn ba tuần để tìm ra người thay thế ông Kevin McCarthy.

Mặc dù nổi tiếng với sự niềm nở, nhưng ông Johnson được cho là nhà lập pháp bảo thủ về mặt tư tưởng nhất từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hạ viện Mỹ kể từ những năm 1990. Các đồng nghiệp cho biết đảng viên Cộng hòa Louisiana này sùng đạo sâu sắc, người tự gọi mình là “đầy tớ” của Chúa. Ông liên tục phản đối quyền phá thai của phụ nữ; đồng thời là người không ủng hộ một đạo luật năm ngoái yêu cầu các bang công nhận hôn nhân đồng giới là hợp pháp. Việc ông Johnson được lựa chọn càng củng cố xu hướng nghiêng về cánh hữu của Đảng Cộng hòa.

Là luật sư hiến pháp và cựu thành viên Hạ viện bang Louisiana, ông Johnson lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ vào năm 2016. Ông là người Louisiana đầu tiên trở thành Chủ tịch Hạ viện và là người miền Nam đầu tiên giữ chức vụ này kể từ những năm 1990.

Sau khi ông Johson được bầu, ông Trump đã ca ngợi ông Johnson là “quý ông tuyệt vời”. Vị cựu Tổng thống nói: “Ông ấy sẽ làm cho tất cả chúng ta tự hào”. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã gọi điện cho ông Johnson để chúc mừng.

Nhiệm vụ trước mắt

Công việc của tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ bắt đầu ngay lập tức. Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hạ viện trong một hoàn cảnh đặc biệt: sau ba tuần đấu tranh nội bộ, các ứng cử viên khác đều thất bại và cả Quốc hội tê liệt, không có bất kỳ một hoạt động nào về lập pháp. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để ông chứng tỏ năng lực của mình.

Về đối nội, ông sẽ phải tìm ra cách tài trợ cho chính phủ liên bang trước khi “hết tiền” vào ngày 17.11. Và ông sẽ cần phải chủ trì một hội nghị bị chia rẽ sâu sắc về chính sách đối ngoại khi Quốc hội xem xét yêu cầu tài trợ 105 tỷ USD của chính quyền Biden cho Israel, Ukraine và biên giới phía Nam đất nước.

Ông Johnson phản đối việc tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine - vấn đề đã nổi lên như một vết nứt cay đắng trong nội bộ Đảng Cộng hòa và trong cuộc chiến chi tiêu mà ông sẽ phải đối mặt trong những ngày tới.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, đánh dấu bước thăng tiến của mình trên nấc thang chính trị, ông Johnson cam kết sẽ cố gắng “khôi phục niềm tin của người dân vào Hạ viện”. “Thách thức trước mắt chúng ta là rất lớn, nhưng bây giờ là lúc phải hành động”, ông Johnson nói ngay sau khi đắc cử. “Và tôi sẽ không làm mọi người thất vọng”.

Nhưng vẫn còn phải xem Johnson sẽ thể hiện tốt như thế nào trong việc thống nhất hội nghị rạn nứt của mình khi Hạ viện ngay lập tức lao vào các cuộc tranh luận về chi tiêu của Chính phủ - hoặc giành được lòng tin từ các đảng viên Đảng Dân chủ, những người đang nghi ngờ sâu sắc về thành tích bảo thủ xã hội của ông và sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Trump nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.

Sứ mệnh đoàn kết

Điều khiến nhiều đảng viên Đảng Dân chủ lo ngại nhất là sự ủng hộ của ông Johnson dành cho cựu Tổng thống Trump. Là thành viên tích cực của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Johnson đã nhận được một số chú ý với tư cách là một trong những người thẩm vấn nhân chứng hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong cuộc luận tội đầu tiên của cựu Tổng thống Trump vào năm 2019. Ông tiếp tục đóng vai trò là một trong những người bảo vệ chính cho ông Trump trong suốt cuộc bầu cử năm 2020, tập hợp các đồng nghiệp ký một lá thư ủng hộ cựu tổng thống khi ông cố gắng lật ngược kết quả bầu cử ở một số bang vào năm 2020.

Ông Johnson cũng là người ủng hộ nhiệt thành cho ngành dầu khí của Louisiana. Ông đã nhận được nguồn tài chính bầu cử từ ngành dầu khí trong suốt 7 năm tham gia Quốc hội và giống như nhiều đồng nghiệp thuộc Đảng Cộng hòa, ông là nhân vật không ủng hộ các đạo luật siết chặt nguồn nhiên liệu hóa thạch cũng như nhiều lần hạ thấp tầm quan trọng của biến đổi khí hậu.

Trong một trong những cử chỉ đầu tiên sau cuộc bầu cử, ông Johnson đã nói với Lãnh đạo Đảng Dân chủ Hakeem Jeffries rằng ông mong được làm việc với ông ấy.

“Tôi biết chúng ta nhìn mọi thứ từ những góc nhìn rất khác nhau”, ông Johnson nói, bước lên bục phát biểu sau khi Jeffries kết thúc bài diễn văn của mình. “Nhưng tôi biết rằng trong thâm tâm, các bạn yêu quý và quan tâm đến đất nước này và các bạn muốn làm điều đúng đắn. Và vì vậy chúng ta sẽ tìm thấy điểm chung ở đó, được chứ?

Bên kia Điện Capitol, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer nói với các phóng viên rằng, ông mong muốn được ngồi lại với tân Chủ tịch Hạ viện và tìm ra cách để lưỡng đảng đoàn kết, tránh cho Chính phủ phải đóng cửa trước khi nguồn tài chính hết hạn vào giữa tháng 11. Ông Schumer nói: “Tôi hy vọng và mong muốn được làm việc với anh ấy theo cách đoàn kết lưỡng đảng. Tôi hy vọng anh ấy sẽ làm vậy”.

Người ta có thể tin chắc vào khả năng đoàn kết nội bộ phe Cộng hòa của ông Johnson, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Bởi không một đảng viên Cộng hòa nào bỏ phiếu chống lại ông trong cuộc bỏ phiếu hôm 25.10, từ những nhân vật cực hữu nhất đến những người ôn hòa.

Dân biểu Matt Gaetz, người đã lãnh đạo một nhóm nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ lật đổ cựu Chủ tịch Hạ viện McCarthy ba tuần trước cho biết, Johnson đã cam kết rằng Hạ viện sẽ thông qua một loạt dự luật chi tiêu, nhưng là sau khi có biện pháp tạm thời để tránh cho Chính phủ đóng cửa vào ngày 17.11. “Đó là điều mà tôi đã ủng hộ suốt từ đầu năm nay”, ông nói.

Bản thân ông McCarthy, vị Chủ tịch Hạ viện bị lật đổ, cũng cho biết ông ủng hộ Johnson trong mọi lĩnh vực.

Cả Dân biểu Florida Mario Diaz Balart, một trong những nhân vật từng tham gia tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện cách đây vài ngày, cho biết ông ủng hộ Johnson vì ông đã vận động tranh cử “một cách danh dự, theo cách mà tất cả chúng ta tự hào và tôi nghĩ điều đó hữu ích để thống nhất toàn thể Hạ viện”.

Liệu ông Johnson có thể đoàn kết cả hai đảng tại Hạ viện với tư cách là người cầm chiếc búa quyền lực hay không, điều đó vẫn cần đợi thời gian trả lời, nhưng thực tế là “chưa có ai không ưa vị dân biểu này cả”, Hạ nghị sĩ Thomas Massie nói đùa. Và “đó là tài sản lớn nhất của ông ấy hiện nay”, Thomas Massie nói thêm.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tan-chu-tich-ha-vien-my-co-the-doan-ket-luong-dang-i347788/