Tam Nông, môi trường thuận lợi để người dân an tâm lập nghiệp

40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Nông không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, đạt nhiều thành quả đáng tự hào, ngày càng thu hút nhiều người dân về đây lập nghiệp. Qua đó, tạo thêm niềm tin, động lực trong mỗi người dân về quyết tâm chung tay phát triển quê hương nhanh hơn trong giai đoạn mới.

Cổng chào vào thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông

Cổng chào vào thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông

Khi tái thành lập (năm 1983), huyện Tam Nông gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở vật chất hầu như không có, các cơ quan của Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể phải ở tạm trường học để làm việc, cơ sở hạ tầng còn ít; giao thông đường bộ duy nhất chỉ có đoạn đường QL 30 chạy qua huyện; rất ít công trình văn hóa, xã hội; hệ thống trường học, trạm xá bị xuống cấp nghiêm trọng... Khi đó, tài sản của huyện có 4,8 triệu đồng, 50 tấn sắt và 10 tấn đinh...

Ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, từ năm 1983 đến nay, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo với sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng vượt bậc, huyện luôn chú trọng phát huy tinh thần “Tự lực - tự chủ - tự quản” của người dân, đặc biệt là người nông dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mọi người dân Tam Nông dù là người địa phương hay nơi khác đến cũng đều được xem là chủ thể và là động lực quan trọng trong tiến trình phát triển của huyện. Huyện luôn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực địa phương và không ngừng thu hút đầu tư bên ngoài, tạo thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn. Song song đó, chính quyền huyện luôn làm tốt nhiệm vụ, tạo môi trường thuận lợi để mọi người dân cùng phát triển, không để ai bị bỏ quên và bị bỏ lại phía sau.

Cùng với kinh tế, huyện chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội như: thực hiện đầy đủ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công và công tác giảm nghèo thông qua đào tạo, dạy nghề, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; hướng dẫn các mô hình sản xuất nhằm tạo công ăn việc làm, bảo đảm sự gắn bó lâu dài của người dân với vùng đất mới... Đặc biệt, huyện xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, lãnh đạo trong bộ máy phải thực sự đồng hành và phục vụ đối tác, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, là nơi mà mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, qua đó giúp cho người dân từ nhiều địa phương khác an tâm và quyết tâm chọn định cư với vùng đất này để lập nghiệp.

Anh Phan Hùng Dũng (SN 1973) - Trưởng Ban Nhân dân ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông vừa dẫn chúng tôi đi tham quan địa bàn ấp, vừa chia sẻ, khi mới tái thành lập huyện, ít ai nghĩ đến 40 năm sau, đời sống kinh tế - xã hội của địa phương phát triển vượt bậc như hôm nay. Trước đây, dân số trên địa bàn ấp thưa thớt, nhưng nhờ điều kiện sinh sống ngày càng tốt hơn, nhiều người từ địa phương khác trong và ngoài tỉnh về đây định cư. Hiện, phần nhiều hộ dân trong ấp có 15 - 20 công ruộng, có hộ sở hữu đến 150 công. Ngoài phát triển nông nghiệp, nhiều hộ dân trong ấp đầu tư mua bán, làm dịch vụ... góp phần tạo nên bức tranh nông thôn sinh động, đổi mới.

Chú Nguyễn Văn Do (SN 1950, trước đây là Việt kiều Campuchia), thương binh hạng 3/4 về ấp K8 lập nghiệp từ năm 1976. Vợ chồng chú có 4 người con (3 gái, 1 trai) đã có việc làm ổn định. Chú Do, bộc bạch: “So với trước đây, cuộc sống của bà con ở ấp K8 cũng như người dân trong huyện có sự thay đổi rất lớn về mọi mặt. Vợ chồng tôi hiện có 5 công ruộng, cộng với tiền chính sách thương binh hàng tháng của tôi nên cuộc sống ổn định. Dù không dư dả, giàu có như nhiều hộ dân trong ấp, nhưng tôi thấy rất vui, rất hạnh phúc vì không còn lo đói, thiếu thốn đủ thứ như cách đây 30, 40 năm”.

Từ hỗ trợ của cộng đồng, nỗ lực của các gia đình kết hợp thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm, từ 30,5% năm 1986 đến năm 2015 còn 2.892 hộ nghèo, chiếm 5,3%; hiện còn 799 hộ nghèo, chiếm 2,82%; 642 hộ cận nghèo, chiếm 2,26%. GDP bình quân đầu người của huyện hàng năm đều tăng, năm 2015 đạt 39 triệu đồng và hiện nay ước đạt 56,9 triệu đồng.

Thành Nam

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/tam-nong-moi-truong-thuan-loi-de-nguoi-dan-an-tam-lap-nghiep-115764.aspx