Tấm lòng người Việt trên đất nước Campuchia

'M'Đai Trinh' tức mẹ Trinh, là cách mà nhiều người ở một phum lao động nghèo và trẻ mồ côi gọi bà Dương Băng Trinh - một Việt kiều đang sinh sống ở vùng ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.

Điều đặc biệt là “mẹ Trinh” hoàn cảnh cũng khó khăn không kém. Thế nhưng bà lại sẵn sàng bao bọc, làm mẹ nuôi của hàng chục đứa trẻ mồ côi và đã mở ra hàng loạt lớp học xóa mù chữ cho trẻ em trong vùng.

Rất tình cờ, trong chuyến công tác của nhóm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) về SEA Games 32 trên đất nước chùa tháp Campuchia, chúng tôi đã gặp gỡ người phụ nữ có tấm lòng bao dung, đôn hậu đó.

“Lớp học hạnh phúc” trên… bãi rác

Qua giới thiệu của Hội người Khmer Việt Nam tại Campuchia, chúng tôi bắt xe tuk-tuk tìm đến nhà bà Dương Băng Trinh ởphum Kva, xã Xăm Kát, quận Dankeo, thuộc ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Vượt hơn 15km, len lỏi qua nhiều ngõ ngách, hiện ra trước mắt chúng tôi là các ngôi nhà tạm trên một bãi rác rộng vài héc-ta. Từ xa đã nghe văng vẳng tiếng ê a của một lớp học cũng được dựng lên tạm bợ như chính các ngôi nhà ở phum lao động nghèo. Đó chính là “lớp học hạnh phúc” do bà Trinh tự mở và đứng lớp ngay cạnh ngôi nhà mà gia đình bà sinh sống.

“Lớp học hạnh phúc” xóa mù chữ cho trẻ em của “mẹ Trinh” được dựng lên ngay trên bãi rác ở phum lao động nghèo

“Lớp học hạnh phúc” xóa mù chữ cho trẻ em của “mẹ Trinh” được dựng lên ngay trên bãi rác ở phum lao động nghèo

“Mẹ Trinh” say sưa dạy học cho trẻ em ở phum Kva, quận Dankeo, thủ đô Phnom Penh

“Mẹ Trinh” say sưa dạy học cho trẻ em ở phum Kva, quận Dankeo, thủ đô Phnom Penh

Lớp học hiện có khoảng 20 trẻ em đủ các lứa tuổi tham gia theo học, trong đó có những em còn lấm lem bùn đất đang chăm chú nghe “mẹ Trinh” giảng bài. Và đây không phải lớp học duy nhất mà đã là lớp thứ 5 do bà Trinh gầy dựng trong hàng chục năm qua, sau khi bà quyết định định cư lâu dài tại đất nước Campuchia.

Nói về động lực để mở nhiều lớp học tình thương xóa mù chữ như vậy, người phụ nữ đã gần 60 tuổi bộc bạch: Trước khi qua đây, tôi từng tốt nghiệp đại học văn khoa - Sài Gòn. Mình có chút kiến thức mà thấy trẻ em người Việt mù chữ nhiều quá, thế là tôi liền mở lớp dạy chữ cho các em. Trước khi có lớp học này, do cuộc sống mưu sinh, tôi cũng đã ở nhiều nơi khác rồi. Đi đâu tôi cũng mở lớp học tình thương cho các em. Đây là lớp học thứ 5 và đã có hàng trăm em theo học. Tâm nguyện của tôi là không muốn người Việt nào sinh sống ở Campuchia mù chữ.

Cảm kích trước tấm lòng của bà Trinh về việc mở lớp xóa mù chữ cho trẻ em lao động nghèo, anh Đoàn Hiếu, người cũng sinh sống ở phum Kva cho biết: Khi còn nhỏ, mới qua đây, tôi cũng nhờ mẹ Trinh mà biết chữ. Nay con tôi cũng vậy, nó được học chữ là nhờ mẹ Trinh. Ở đây toàn lao động nghèo, cuộc sống còn bữa đói bữa no thì lấy tiền đâu cho con đi học. Không có lớp học của mẹ Trinh thì tụi nhỏ chắc mù chữ cả đời.

Người mẹ nghèo của trẻ mồ côi

Không chỉ dạy học không công cho trẻ em nghèo, bà Trinh còn dang rộng vòng tay nhận trẻ em mồ côi về nuôi dưỡng như chính những đứa con mình rứt ruột sinh ra… 3 cô con gái đang sinh sống cùng vợ chồng bà trong căn nhà tạm ở xóm lao động nghèo cũng chính là những đứa con nuôi mà bà từng cưu mang. Trong đó, Sophin - cô con gái lớn nhất vừa tốt nghiệp đại học bằng chính mồ hôi, công sức và cả nước mắt của người mẹ nghèo vốn không cùng máu mủ.

Khi nói về người mẹ có tấm lòng bao dung, đầy tình yêu thương của mình, Sophin không giấu được cảm xúc với giọng nghẹn ngào: Em là đứa trẻ bị bỏ rơi. Quả thật nếu không có mẹ Trinh dang tay chở che, đùm bọc thì em không biết sẽ ra sao… Dẫu không sinh thành nhưng sự quan tâm, yêu thương mà mẹ dành cho em là vô bờ bến. Em được học hành tử tế là công sức của mẹ. Suốt cuộc đời này, em sẽ khắc cốt ghi tâm mối ân tình với ba mẹ nuôi của em.

“Mẹ Trinh” cùng 3 cô con gái được bà nhận về nuôi bằng chính sự tảo tần và tình thương, nay đã lớn khôn

“Mẹ Trinh” cùng 3 cô con gái được bà nhận về nuôi bằng chính sự tảo tần và tình thương, nay đã lớn khôn

Sophin - cô con gái lớn vừa lấy bằng cử nhân ngành công nghiệp thực phẩm nhờ sự bao bọc, hi sinh lớn lao của mẹ Trinh

Sophin - cô con gái lớn vừa lấy bằng cử nhân ngành công nghiệp thực phẩm nhờ sự bao bọc, hi sinh lớn lao của mẹ Trinh

Nghe người chị tâm sự, cô em Mary năm nay 16 tuổi, khá lanh lợi liền bộc bạch với chúng tôi như muốn tôn thêm tấm lòng bao la của mẹ Trinh đối với mình: “Con lớn lên không biết cha mẹ ruột của mình là ai, con chỉ biết mẹ Trinh. Mẹ thương tụi con, cho tụi con ăn học đầy đủ. Sau này lớn lên con sẽ cố gắng sống tốt, đi làm kiếm tiền để trả hiếu cho ba mẹ”.

Khi chúng tôi thắc mắc, với một gia cảnh nghèo, bôn ba mưu sinh đủ nghề thì lấy gì để nuôi hàng chục đứa con nuôi như vậy, đó là chưa kể còn phải dành thời gian dạy xóa mù chữ ở lớp học hạnh phúc, bà Trinh mở lòng:“Tôi thấy trẻ mồ côi, lang thang nhiều quá, vì thương tụi nó nên mang về nuôi. Để có tiền nuôi tụi nó, tôi làm đủ thứ, từ nấu sữa đậu nành, bán chả bò, chả cá ở các bến phà, nhặt ve chai… không việc gì là không làm, miễn không vi phạm pháp luật. Thêm nữa, cũng phải cảm ơn Hội người Khmer Việt Nam ở đây, có quà từ thiện gì cũng ưu ái cho tôi nuôi mấy đứa nhỏ. Lúc đầu khó khăn và chật vật lắm, nhưng sau đó, cứ đứa lớn đi làm lo cho đứa nhỏ hơn để phụ tôi, nên nay cũng bớt vất vả rồi”.

Bà Trinh chăm sóc chồng trên giường bệnh do vừa mổ bao tử

Bà Trinh chăm sóc chồng trên giường bệnh do vừa mổ bao tử

Ngôi nhà và lớp học hạnh phúc của “Mẹ Trinh” nằm trên bãi rác tại một phum lao động nghèo ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia

Ngôi nhà và lớp học hạnh phúc của “Mẹ Trinh” nằm trên bãi rác tại một phum lao động nghèo ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia

Tấm lòng bà Trinh bao dung, độ lượng như vậy, thế nhưng gia cảnh bà cũng không khác nhiều gia đình Việt kiều nghèo ở xóm lao động này. Hiện mảnh đất và căn nhà tạm bà sinh sống cũng đang thuê của người khác vốn là bãi rác của địa phương. Đã thế, hoàn cảnh khó khăn lại như muốn thử thách, trêu ngươi người phụ nữ tốt bụng khi chồng bà vừa phải mổ căn bệnh đau bao tử hành hạ nhiều năm qua, giờ cũng trông cậy hoàn toàn vào sự chăm sóc của bà.

Cuộc sống vốn bộn bề khó khăn, thế nhưng “mẹ Trinh hay ngoại Trinh” (theo cách gọi của người dân nơi đây - PV), luôn cố gắng vượt qua để san sẻ, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn hơn. Cũng từ đó, tấm lòng thơm thảo của người Việt nơi đất khách càng thêm lan tỏa.

Nguyễn Tấn - Hưng Cát (từ Phnom Penh, Campuchia)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/143827/tam-long-nguoi-viet-tren-dat-nuoc-campuchia