'Tấm khiên' pháp luật bảo vệ người lao động là nạn nhân của bạo lực gia đình

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng luật và chính sách giải quyết tình trạng người lao động là nạn nhân của bạo lực gia đình, đơn cử như Argentina, Pháp, Italy, Philippines, Tây Ban Nha, Canada, New Zealand hay Mỹ… Trong khi đó, một số nước giải quyết tình trạng này thông qua các luật cụ thể về bạo lực gia đình, một số khác đưa vấn đề này vào luật bình đẳng giới, lao động hoặc an toàn lao động và sức khỏe…

Nhiều điều khoản chặt chẽ

Nói chung, luật pháp liên quan đến tác động của bạo lực gia đình trong lĩnh vực việc làm thường bao gồm những điều khoản như:

Thừa nhận rằng bạo lực gia đình là một vấn đề toàn cầu của lĩnh vực việc làm và người lao động có quyền được hỗ trợ và bảo vệ; nghiêm cấm phân biệt đối xử hoặc trả thù nhân viên dựa trên tình trạng của họ là nạn nhân của bạo lực gia đình; cung cấp thời gian nghỉ việc bị bạo lực gia đình có lương hoặc không lương; thiết lập bảo đảm về việc làm, đặc biệt là sau khi nghỉ việc có lương hoặc không lương; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại nơi làm việc; thiết lập các nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động tại nơi làm việc và khi họ trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc.

Ở hầu hết các quốc gia, các lệnh bảo vệ hoặc hạn chế do tòa án ban hành một cách rõ ràng hoặc ngầm ở khắp phạm vi nơi làm việc, mặc dù chúng không phải lúc nào cũng được thực thi đầy đủ. Khung pháp lý về thực thi các lệnh bảo vệ là rất quan trọng đối với sự an toàn của lao động nữ. Chẳng hạn, tại Mỹ, 10 tiểu bang đã thông qua luật cho phép người sử dụng lao động áp dụng lệnh cấm tại nơi làm việc để ngăn chặn các hành vi bạo lực, quấy rối và đeo bám nhân viên của mình. Điều quan trọng cần lưu ý là, khi người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp đó, nó phải được thực hiện với sự tham vấn và có sự đồng ý của nạn nhân. Ngoài ra, các tín hiệu tốt khác đã xuất hiện ở Đức và EU thông qua việc ban hành lệnh bảo vệ của châu Âu, mà có thể áp dụng tại nơi làm việc. Hơn nữa, các lệnh bảo vệ cũng có thể bao gồm việc bảo vệ chống lại sự rình rập tại nơi làm việc, chẳng hạn như ở Italy, vốn có thể xảy ra trong khuôn khổ bạo lực gia đình hoặc có thể được thực hiện bởi các tác nhân khác trong thế giới công việc, chẳng hạn như đồng nghiệp hoặc khách hàng.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Các quốc gia trang bị công cụ cần thiết

Các chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động quốc gia cũng là những công cụ cần thiết để yêu cầu Chính phủ và các bên liên quan hành động nhằm giúp giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm cả bạo lực gia đình. Có thể tìm thấy các thực tiễn đầy hứa hẹn, nơi tác động của bạo lực gia đình tại nơi làm việc được đưa ra trong các chiến lược quốc gia hoặc kế hoạch hành động về bạo lực đối với phụ nữ ở Scotland (2014), bang Victoria (Australia (2010)), Tunisia (2009) và Tây Ban Nha (2013)… Chẳng hạn, Chiến lược quốc gia Tây Ban Nha về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (2013 - 2016) bao gồm một loạt biện pháp tại nơi làm việc nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm sự phối hợp với công đoàn và hiệp hội người sử dụng lao động, chẳng hạn như phổ biến thông tin về quyền của phụ nữ lao động là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

Luật pháp ở nhiều nước khác cũng có nhiều điều khoản để bảo vệ nạn nhân là bạo lực gia đình. Ví dụ như Bộ luật Lao động của Pháp cho phép người lao động được nghỉ việc nếu cô ấy là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Trong khi đó, Đạo luật Việc làm 2016 của Italy cho phụ nữ quyền được nghỉ việc hưởng lương và được bồi thường bạo lực gia đình bằng cách sử dụng các quyền và khuôn khổ tương tự được thiết lập theo pháp luật về thai sản.

Ở Philippines, các tiêu chuẩn lao động chung của nước này (Đạo luật Cộng hòa số 9262) ghi rõ, người lao động được phép nghỉ tối đa 10 ngày được hưởng nguyên lương, để cho phép một phụ nữ giải quyết các vấn đề về y tế và pháp lý.

Luật Cơ bản của Tây Ban Nha 1/2004 ban hành vào ngày 28.12.2004 về bảo vệ chống lại bạo lực gia đình cũng bao gồm các quy định về việc nghỉ việc do bạo lực gia đình và nhiều hỗ trợ khác.

Tại Canada, Đạo luật An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp của tỉnh bang Ontario, Bộ luật Tiêu chuẩn việc làm của tỉnh bang Manitoba, Đạo luật An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp của tỉnh bang Alberta và Các Quy định về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Chính phủ Liên bang (2018) là những cơ sở pháp lý cấp quốc gia và địa phương để giúp chống lại nạn quấy rối và bạo lực, trong đó có bạo lực gia đình đối với người lao động. Nhìn sang New Zealand, Đạo luật Bảo vệ nạn nhân - Bạo lực gia đình năm 2018 đã thiết lập quyền cho người lao động bị bạo lực gia đình được nghỉ 10 ngày.

Tại Mỹ, 17 bang yêu cầu các nhà tuyển dụng của bang áp dụng các chính sách giải quyết bạo lực gia đình đối với người lao động và/hoặc phát triển các chính sách kiểu mẫu cho các doanh nghiệp tư nhân. Vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ đã tiến xa hơn trong việc yêu cầu tất cả các doanh nghiệp áp dụng một giao thức giải quyết bạo lực gia đình. Một số tiểu bang cho phép nghỉ phép có lương và Sắc lệnh hành pháp liên bang thiết lập chế độ nghỉ được hưởng lương bảy ngày hoặc nhiều hơn. Một số bang cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử với nạn nhân của bạo lực gia đình và 42 bang đã sửa đổi Bộ luật bảo hiểm thất nghiệp để làm rõ rằng nạn nhân của bạo lực gia đình có đủ điều kiện để nhận trợ cấp.

Ở Đức, theo Đạo luật Bảo vệ chống lại bạo lực (GewSchG) 2002, một lệnh bảo vệ có thể cấm kẻ được cho là thủ phạm không được tiếp cận nơi làm việc của nạn nhân. Tại Italy, Đạo luật hình sự số 38 có hiệu lực ngày 23.4.2009 đã đưa ra tội danh mới là “hành vi quấy rầy” (rình rập), cùng với các hình phạt, bao gồm cả trường hợp rình rập diễn ra tại nơi làm việc. Việc rình rập tại nơi làm việc có thể liên quan đến việc theo dõi đối tác và bạn đời cũ, nhân viên theo dõi khách hàng hoặc trong một số trường hợp các khách hàng theo dõi nhau… Nó có thể liên quan đến các hình thức tiếp xúc và lạm dụng quá mức qua email, cuộc gọi điện thoại và mạng xã hội, những món quà không được yêu cầu, tấn công thể xác hoặc tình dục tại nơi làm việc.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/tam-khien-phap-luat-bao-ve-nguoi-lao-dong-la-nan-nhan-cua-bao-luc-gia-dinh-i291233/