Tâm điểm chú ý sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

Việc khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ thổi bùng tranh cãi mới trong bối cảnh cả hai nước đang tìm cách hạ nhiệt mối quan hệ vốn đã nhiều xung đột.

Sự xuất hiện của khí cầu do thám Trung Quốc tại Mỹ đã đẩy Washington và Bắc Kinh vào tranh cãi mới ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới quốc gia Đông Á.

Với việc không quân Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, thiết bị mà Trung Quốc tuyên bố chỉ hoạt động nghiên cứu khí tượng, câu hỏi đặt ra là hai bên sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng tới đâu trước khi nối lại các nỗ lực xoa dịu căng thẳng, cải thiện quan hệ, theo Wall Street Journal.

Cơ hội đàm phán bị bỏ lỡ

Phát biểu hôm 3/2, Ngoại trưởng Blinken cáo buộc khí cầu của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Mỹ. Nhiều thành viên lưỡng viện Quốc hội chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden ra lệnh bắn hạ khí cầu quá chậm trễ.

Trung Quốc ban đầu lấy làm tiếc vì đường đi của khinh khí cầu, đồng thời khẳng định không xâm phạm chủ quyền của bất cứ nước nào. Bắc Kinh cáo buộc truyền thông và một số chính trị gia Mỹ đang thổi phồng tình hình.

Hôm 5/2, sau khi khí cầu bị bắn hạ, Trung Quốc lập tức phản pháo cho rằng Washington phản ứng quá mức và "vi phạm các thông lệ quốc tế".

“Trung Quốc bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công (thiết bị) dân sự. Phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo cho Mỹ sau khi xác minh rằng khí cầu được sử dụng cho mục đích dân sự và (thiết bị này) tiến vào Mỹ với lý do bất khả kháng. Đó hoàn toàn là một tai nạn”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố, CNN đưa tin.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Trước đó, về chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra thông báo hy vọng duy trì liên hệ giữa bộ Ngoại giao hai nước.

"Công việc của các nhà ngoại giao là xử lý những tình huống bất ngờ một cách bình tĩnh và thận trọng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Với việc khí cầu bị bắn hạ, cả Washington và Bắc Kinh đều đối mặt những lựa chọn khó về mức độ leo thang trước khi đi đến thỏa hiệp.

"Việc các cường quốc hạt nhân bắn vào thiết bị do thám của nhau là điều đáng lo ngại, nhưng chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ làm tương tự nếu tình thế ngược lại", Daniel Russel, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định, cho rằng tình hình sẽ phụ thuộc phản ứng của Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken nếu diễn ra lúc này sẽ không hiệu quả, bởi vụ khinh khí cầu sẽ phá hỏng chương trình nghị sự vốn dày đặc các vấn đề gây tranh cãi như tình hình Đài Loan, xung đột Ukraine, lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Mỹ, hay cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai nước.

Chuyến đi của ông Blinken từng được giới chức Mỹ kỳ vọng là cơ hội kiểm soát căng thẳng. Việc hoãn chuyến thăm ảnh hưởng tới nỗ lực ngoại giao vốn được xem là cần thiết nhằm tránh để quan hệ song phương rơi vào khủng hoảng.

Trước vụ việc khí cầu, quân đội hai nước gần đây có những trao đổi liên tục về hoạt động của tàu sân bay trên Biển Đông và tình hình Đài Loan.

Nhu cầu xuống thang

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price, Ngoại trưởng Blinken đã gọi điện cho Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị, gọi vụ việc khinh khí cầu là "hành động vô trách nhiệm". Dù vậy, Ngoại trưởng Blinken cũng nói sẽ chuẩn bị cho chuyến thăm khác khi các điều kiện cho phép, theo CNBC.

Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken đáng lẽ sẽ là cuộc thăm viếng cấp cao nhất của một quan chức Mỹ tới Trung Quốc kể từ khi Covid-19 bùng phát. Trước đó, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí chuyến thăm là một phần nỗ lực ổn định quan hệ song phương.

Các cuộc gặp giữa quan chức cấp cao hai nước đã trở nên ngày một thưa thớt trong hai năm qua, phần vì Covid-19, phần khác vì lòng tin suy giảm, đặc biệt sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tháng 8/2022. Trung Quốc sau đó cắt nhiều kênh liên lạc giữa hai nước để trả đũa.

Theo các chuyên gia, cả hai bên đều có lý do theo đuổi các chính sách hòa hoãn có chừng mực.

Đài Loan tiếp tục là điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters.

Trong khi chính quyền Tổng thống Biden vẫn theo đuổi lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, nhiều đồng minh và đối tác của Washington muốn hạn chế hậu quả kinh tế từ đối đầu giữa hai bên.

Ngược lại, Trung Quốc vừa kết thúc thời gian dài phong tỏa do Covid-19, nước này cần điều kiện quốc tế thuận lợi để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế. Một lý do khác là Mỹ sẽ là nước chủ nhà APEC 2023 vào tháng 11, Bắc Kinh muốn Chủ tịch Tập Cận Bình được hoan nghênh khi dự sự kiện này.

Trong những ngày bay trên không phận Mỹ, khí cầu Trung Quốc đã đi qua bang Montana, nơi Mỹ có một kho tên lửa đạn đạo liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân.

Các chuyên gia an ninh quốc gia nhận định Mỹ và Trung Quốc cần duy trì các kênh liên lạc khẩn cấp và những biện pháp xây dựng lòng tin để giảm thiểu nghi ngờ và rủi ro xung đột, tránh xảy ra những vụ việc như vừa qua.

Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc hiện duy trì đường dây nóng liên lạc, đồng thời đã ký một số thỏa thuận về cách ứng xử của tàu chiến và máy bay chiến đấu. Ngoài ra, quan chức quân sự có những kênh liên lạc khác.

Theo tổ chức nghiên cứu chính sách an ninh CNA, Trung Quốc thường từ chối nhận liên lạc để phản đối các hành động của Mỹ bị coi là không phù hợp, ví dụ như chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.

Từ sau cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập tháng 11/2022, Trung Quốc đã hai lần từ chối nhận liên lạc của Mỹ. Lần đầu tiên để phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Lần gần nhất sau khi máy bay hai nước suýt va chạm hôm 21/12/2022.

Khi tranh cãi về khinh khí cầu qua đi, Đài Loan sẽ tiếp tục là vấn đề dễ khiến mọi nỗ lực hòa hoãn giữa hai nước bế tắc nhất. Các thành viên Cộng hòa tại Hạ viện đang gây sức ép buộc Washington có lập trường ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn.

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói ông có ý định thăm Đài Loan, điều mà giới chức Trung Quốc đã cảnh báo sẽ để lại hậu quả.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-diem-chu-y-sau-khi-my-ban-ha-khinh-khi-cau-trung-quoc-post1399139.html