Taliban rạn nứt

Lực lượng Taliban vẫn luôn duy trì sự đoàn kết trong suốt cuộc nổi dậy kéo dài 20 năm, nhưng giờ đây, sự chia rẽ đang dần xuất hiện trên nhiều phương diện.

Đường phố Kabul, Afghanistan. Ảnh: Wall Street Journal.

“Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào tình đoàn kết”, thủ lĩnh tối cao của Taliban Mullah Haibatullah Akhundzada nói trong cuộc họp với hội đồng tôn giáo vào ngày 1/7.

Đó là lần xuất hiện hiếm hoi của ông trước công chúng và cũng là chuyến đi đầu tiên của vị thủ lĩnh đến Kabul. Ông nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp đất nước rằng họ cần phải vượt qua sự khác biệt.

Những lời của ông Akhundzada cho thấy nỗ lực hàn gắn một bộ máy vốn đã hình thành nhiều rạn nứt, chỉ sau chưa đầy một năm cầm quyền. Các nhà lãnh đạo Taliban đang mâu thuẫn về hệ tư tưởng, từ cách giải thích luật Hồi giáo và mức độ thực thi, đến vấn đề giáo dục trẻ em gái, tranh giành quyền lực giữa các phe phái và áp lực kinh tế.

Cuộc tranh luận về quyền giáo dục của phụ nữ

Vào tháng 3, chính phủ Taliban đã thông báo tái mở cửa trường học dành cho nữ sinh từ lớp 6 trở lên, một động thái cho thấy sự thống nhất trong vấn đề giáo dục trẻ em gái.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi cổng trường được cho là sẽ mở lại, các nữ sinh nhận được yêu cầu trở về nhà. Vì hội đồng tôn giáo Taliban, với phần lớn là giáo sĩ cực đoan, đã lật ngược kế hoạch này.

Việc thay đổi quyết định trong phút chót khiến chính phủ Afghanistan nhận hàng loạt chỉ trích, trong đó có cả những thành viên Taliban. Điều đó làm lung lay một lực lượng từng duy trì sự gắn kết chặt chẽ trong suốt hai thập kỷ.

Song, Taliban vẫn khẳng định “không có bất kỳ sự chia rẽ nào trong nội bộ”.

Việc mở cửa trường học cho trẻ em gái gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ Taliban. Ảnh: Wall Street Journal.

Trong khi đó, giáo dục cho trẻ em gái một lần nữa được đề cập trong chương trình nghị sự tại cuộc họp của hội đồng tôn giáo với các thủ lĩnh bộ lạc và thành viên Taliban cấp cao ở Kabul.

Một người thân cận với lãnh đạo Taliban cho biết: “Có một vài người ở cấp cao nhất tỏ ra cứng rắn. Ngoài họ, không ai phản đối việc giáo dục phụ nữ".

Sự phản đối giáo dục trẻ em gái bắt nguồn từ niềm tin về vai trò của phụ nữ trong xã hội Afghanistan, đặc biệt là ở miền Nam bảo thủ. Song, một số thành viên Taliban đã có quan điểm ôn hòa hơn. Họ cho rằng không có lý do tôn giáo nào để cấm các trẻ em gái ở tuổi vị thành niên đến trường, miễn là họ bị tách biệt khỏi nam giới.

Trong những năm gần đây, nhiều quan chức Taliban sống lưu vong ở Pakistan và Qatar đã gửi con gái của họ đến các trường học và đại học địa phương. Sau khi tiếp quản chính quyền, một số chỉ huy đã đưa con gái trở về quê hương với hy vọng chúng sẽ được phép tiếp tục đi học. Tuy nhiên, họ đã sốc khi quyết định bị lật ngược hồi tháng 3.

“Khi biết chuyện, tôi rất khó chịu. Nếu một phụ nữ được giáo dục, cô ấy có thể giáo dục cả cộng đồng”, Hakimullah, biệt danh của một chỉ huy tình báo Taliban ở Kabul, nói. “Đó là một sai lầm và họ nên suy nghĩ lại".

Vào tháng 5, các thành viên Taliban cũng bày tỏ sự tức giận công khai trước yêu cầu của giới lãnh đạo rằng tất cả phụ nữ Afghanistan phải che mặt ở nơi công cộng.

Jawed Nizami, một chỉ huy Taliban 39 tuổi, từ tỉnh Paktia, cho biết: “Chúng ta không nên che giấu danh tính của phụ nữ trong xã hội. Người đàn ông cũng có trách nhiệm không nhìn những người phụ nữ không liên quan đến mình. Chúng ta không nên đổ hết lỗi cho phụ nữ”.

Tranh giành phe phái

Phần lớn những người ủng hộ việc giáo dục trẻ em gái là các nhà lãnh đạo và thành viên của mạng lưới Haqqani - phe Taliban chịu trách nhiệm về một số vụ tấn công chết chóc nhất trong chiến tranh.

Ông Anas Haqqani, thành viên cấp cao của mạng lưới này, cho biết ông tin tưởng rằng các bé gái tuổi vị thành niên sẽ sớm được phép trở lại trường học.

“Một vấn đề không bị đạo Hồi và luật Shariah ngăn cấm cũng không nên bị cấm bởi một chính phủ Hồi giáo”, ông Haqqani khẳng định.

Mọi người tụ tập bên ngoài một căn cứ của Taliban ở Kandahar, vào tháng 4, với hy vọng nhận được thức ăn. Ảnh: Wall Street Journal.

Trong khi đó, căng thẳng giữa các phe phái trong nội bộ Taliban đang ngày càng gia tăng. Một bên là lực lượng Taliban đến từ Kandahar và các tỉnh phía nam, thân cận với ông Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban và là một trong những nhà lãnh đạo chính trị quan trọng nhất của lực lượng này.

Bên còn lại là mạng lưới Haqqani, nổi tiếng với sức mạnh quân sự, đến từ phía đông đất nước.

Căng thẳng giữa hai phe nổi lên từ rất sớm, chủ yếu xoay quanh việc ai là người xứng đáng được công nhận vì lật đổ chính quyền vào tháng 8/2021.

Theo đó, ông Mullah Baradar, người đã đàm phán thỏa thuận mở đường cho việc Mỹ rút quân, coi đó là một chiến thắng ngoại giao. Ngược lại, người Haqqanis, với nhiệm vụ đào tạo những kẻ đánh bom liều chết, nói rằng thắng lợi đạt được là nhờ giao tranh.

Bên cạnh đó, phe miền Nam cũng tỏ ra bất mãn vì quyền lực quân sự quá tập trung vào tay người Haqqanis. Ngược lại, những người Haqqanis phàn nàn rằng đối phương đã nhận hầu hết vị trí trong chính phủ.

Áp lực kinh tế

Trong khi giới lãnh đạo tranh cãi, nhiều chiến binh Taliban ngày càng thất vọng.

Những chiến binh đã cống hiến nhiều năm, thậm chí hàng chục năm cuộc đời cho cuộc đấu tranh vũ trang nói rằng họ mong đợi sự hy sinh của mình được đền đáp bằng công việc và tiền bạc. Nhưng trên thực tế, họ thậm chí không đủ tiền mua thức ăn.

“Tôi phải nuôi 10 người. Khi chúng tôi nấu một món gì đó, mọi người đều phải tranh giành nhau”, Qari Abdullah, một cựu chỉ huy Taliban đã rời khỏi lực lượng gần đây, cho biết.

Taliban đang chịu nhiều áp lực về kinh tế. Ảnh: Wall Street Journal.

Kể từ khi Taliban tiếp quản chính quyền, kinh tế Afghanistan liên tục suy giảm, với 95% dân số không được ăn uống đầy đủ theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc. Tài sản của ngân hàng trung ương bị đóng băng, các lệnh trừng phạt quốc tế và viện trợ nước ngoài giảm mạnh càng khiến cuộc khủng hoảng kinh tế thêm trầm trọng.

Dưới áp lực kinh tế to lớn, giới lãnh đạo Taliban đã tìm cách che đậy những mâu thuẫn. Họ cố gắng kiềm chế những lời chỉ trích bằng cách đe dọa bỏ tù cấp dưới, nếu họ nói chuyện với giới truyền thông.

“Nếu những cuộc tranh luận về tôn giáo (trỗi dậy), nó có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn củng cố các nhóm khủng bố”, ông Sharif, người đưa tin của Taliban, cho biết.

Do đó, lực lượng cảnh sát tôn giáo được hồi sinh càng trở nên đáng sợ hơn. Họ đã ban hành một loạt hạn chế xã hội mới mà nhiều người Afghanistan, bao gồm cả thành viên Taliban, phản đối.

Song, ông Abdullah Omari, giám đốc khu vực của lực lượng cảnh sát tôn giáo, nói rằng nhiệm vụ của Taliban là đưa người Afghanistan trở lại con đường chính nghĩa mà họ đã lạc lối khi chịu ảnh hưởng từ nước ngoài. “Đây không thể là một bất ngờ. Họ phải biết rằng khi Taliban đến, sẽ có những quy định mới", ông nói.

Trực thăng giải cứu nạn nhân trong thảm kịch Afghanistan Người dân Afghanistan hỗ trợ đưa người bị thương đến trực thăng cứu hộ sau thảm kịch động đất ngày 22/6 khiến ít nhất 920 người chết và 600 người bị thương.

Hải Linh

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/taliban-ran-nut-post1331996.html