Tái sinh trong vườn Nhật Bản

Không gian thanh tịnh của các khu vườn tại Nhật Bản đã đem đến sự phục hồi và tái sinh tuyệt vời cho con người.

Khu vườn Tesso-en ở Gujo Hachiman. (Ảnh: Stephen Mansfield)

Khu vườn Tesso-en ở Gujo Hachiman. (Ảnh: Stephen Mansfield)

Trong tiếng Nhật, “shinrinyoku” có nghĩa là tắm rừng, là từ dùng để chỉ cách con người thư giãn và sảng khoái tinh thần khi hòa mình vào thiên nhiên tại những khu rừng hoang dã. Theo thời gian, khái niệm này ngày càng được ưa chuộng và dần trở thành liệu pháp điều trị tinh thần của người dân xứ Phù tang.

Tắm rừng là việc dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn trong khu vực nhiều cây cối và “tắm” dưới tán cây. Thuật ngữ này lần đầu tiên được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản sử dụng vào năm 1982, với mong muốn khuyến khích lối sống lành mạnh song song với việc phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên rộng lớn và đẹp đẽ của đất nước.

Tắm rừng ở Nhật Bản là một liệu pháp y học mới giúp giải tỏa căng thẳng và lo âu vô cùng hiệu quả. Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, năng lượng và sức mạnh của con người sẽ được tối ưu hóa khi ở trạng thái tĩnh lặng và cân bằng.

Những người từng trải nghiệm tắm rừng cho biết, họ cảm thấy mọi mệt mỏi đều được xua tan khi đến đây. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, lợi ích phục hồi tinh thần do các khu vườn mang lại cho con người là điều không cần bàn cãi. Dù gặp trực tiếp, trực tuyến hay qua các trang sách minh họa, sự hiện diện đầy cảm hứng của những khu vườn có thể giúp vượt qua những căng thẳng kéo dài trong cuộc sống.

Ở cấp độ cao hơn, những khu vườn đá (thường được gọi là vườn thiền) là địa điểm lý tưởng để thiền và thanh lọc tâm trí.

Tại Nhật Bản, những khu rừng, vườn tược ở cố đô Kyoto là nơi có nhiều du khách nhất. Khách tham quan có thể tìm đến ngôi vườn trong khu dân cư yên tĩnh như Shake-machi, gần đền Kamigamo. Cây cối rậm rạp tại những vườn thiền giống như những rào chắn âm thanh, tạo ra môi trường thanh bình để tĩnh lặng hoặc suy tư nội tâm.

Ngoài ra, du khách có thể đến tham quan Hakusasonso - khu vườn linh thiêng có thiết kế mái vòm, nhà trà đạo, một số đồ trang trí bằng đá và tượng Phật. Hay khi đến vườn Toji-in, Myoshin-ji, khách du lịch được chiêm ngưỡng thẩm mỹ tinh tế và cảm giác đặc biệt của Kyoto.

Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc nói rằng “Cuộc sống bắt đầu từ ngày bạn mở ra một khu vườn”. Dòng chảy của thời gian hữu cơ trong một khu vườn Nhật Bản hoàn toàn khác với dòng chảy của công việc hoặc của thời gian. Nhịp sống “giảm tốc” giữa đại dịch Covid-19 đang tạo ra trạng thái hạnh phúc mới, khiến con người bình tĩnh, thư thái hơn.

Việc tiếp xúc với các khu vườn tại Nhật Bản để tắm rừng sẽ khiến chúng ta cảm thấy như được phục hồi và tái sinh.

Phương Thảo

(theo Nikkei Asia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-sinh-trong-vuon-nhat-ban-148064.html