Tại sao xe tăng M1 Abrams của Mỹ sẽ không sớm xuất hiện tại Ukraine?

Mới đây, Mỹ là quốc gia đầu tiên trong NATO đồng ý viện trợ 31 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1 Abrams cho Ukraine để 'khởi động' cho việc sẽ có hàng loạt quốc gia phương Tây khác viện trợ dòng MBT hiện đại không kém là Leopard-2 do Đức sản xuất tới quốc gia đông Âu này.

Tuy nhiên, dù đã có tuyên bố chính thức, nhưng những động thái mới nhất của giới chức quân đội Mỹ cho thấy, M1 Abrams cũng như các điều khoản viện trợ sẽ không sớm có mặt tại Ukraine, chí ít trong vài tháng tới.

Hiện đại đi liền với hậu cần phức tạp

Theo nhiều nguồn tin, phiên bản xe tăng Abrams được viện trợ cho Ukraine sẽ là biến thể M1A2 SEP, tương tự như phiên bản Mỹ xuất khẩu cho Iraq. Trong quá trình sử dụng, Quân đội Iraq đã không ít lần phàn nàn về dòng xe tăng hiện đại, nhưng "khó chiều” này.

Không chỉ tiêu tốn nhiều nhiên liệu xăng máy bay chuyên biệt khi hoạt động do trang bị động cơ turbin khí, xe tăng Abrams còn tỏ ra dễ trục trặc trong điều kiện hoạt động khắc nghiệt. Chính vì lý do này, Iraq sau đó đã lựa chọn xe tăng T-90 của Nga trong hoạt động quân sự chống lại các tay súng IS.

Xét về mặt kỹ thuật, M1 Abrams là mẫu tăng thiết kế từ thời chiến tranh Lạnh dành cho chiến tranh tổng lực với chiến tuyến được phận định rõ ràng. Nó sẽ là mũi nhọn của các mũi tiến công thiết giáp thọc sâu với sự hỗ trợ tối đa về hậu cần và hỏa lực hải-lục-không quân. Trong thực tế chiến đấu, các đoàn xe tăng Abrams thường đi gần các đoàn hậu cần, tiếp vận do “nhu cầu” cực lớn về nhiên liệu và bảo trì. Điểm yếu này từng bộc lộ trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Khi mũi thọc sâu của Mỹ và liên quân tiến sâu vào lãnh thổ Iraq khiến hệ thống tiếp vận bị trải dài. Các hoạt động đột kích phá hoại của quân đội Iraq đã khiến mũi tấn công bằng xe tăng Abrams bị đình trệ. Chỉ khi vấn đề hậu cần được giải quyết, hướng tấn công của Mỹ mới được tiếp tục.

Mỹ đã đồng ý viện trợ xe tăng M1A2 SEP Abrams cho Ukraine, nhưng vẫn chưa xác định thời điểm chuyển giao. Ảnh: Topwar

Như vậy có thể dễ dàng so sánh, với điều kiện tác chiến của Ukraine hiện tại, việc duy trì một xe tăng như Abrams liệu có khả thi? Quân đội Ukraine chắc chắn không có khả năng đảm bảo hậu cần như Mỹ, trong khi đó Kiev cũng không có khả năng bảo vệ không phận hoặc giành ưu thế vượt trội trên không như Mỹ. Việc xuất hiện các đoàn tiếp vận quy mô đảm bảo cho hoạt động của các xe tăng Abrams trên chiến trường sẽ trở thành “mồi ngon” cho Không quân-vũ trụ và pháo binh Nga. Hình thái chiến tranh tại Ukraine không giống như các cuộc chiến do Mỹ từng thực hiện trên khắp thế giới. Nga là một siêu cường quân sự với năng lực vũ khí và trang bị vượt trội.

Một vấn đề khác cần đặt ra là xe tăng Abrams được thiết thế theo chuẩn NATO và phương thức tác chiến binh chủng hợp thành. Phương thức này hoàn toàn khác biệt so với quy chuẩn của Quân đội Ukraine hiện tại. Các kíp xe tăng Ukraine chắc chắn sẽ mất nhiều tháng làm quen với phương tiện chiến đấu và phương thức chiến đấu khác hệ này. Điều này không đơn thuần là bắn được viên đạn ra khỏi nòng hay điều khiển được chiếc xe chạy trên chiến trường, mà còn là các kỹ thuật xử lý tình huống, cũng như hiệp đồng tác chiến với các đơn vị khác trên chiến trường qua hệ thống kết nối và chỉ huy hợp nhất.

Điều kiện địa hình cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới khả năng xuất hiện của xe tăng Abrams tại Ukraine. Với kiểu địa hình bình nguyên vốn rất lầy lội khi chuyển từ mùa Đông sang Xuân, hệ thống giao thông cầu cống đã bị phá hủy do chiến tranh, cỗ xe tăng nặng tới gần 70 tấn của Mỹ liệu có thể cơ động và hoạt động tốt như những chiếc xe tăng chỉ nặng chưa tới 50 tấn của Nga vốn được thiết kế tối ưu cho địa hình này.

Như vậy, riêng về hậu cần đã có quá nhiều vấn đề để Mỹ và Ukraine cần giải quyết trước khi đưa cỗ xe tăng hạng nặng vượt đại dương.

Những nhận định trên hoàn toàn phù hợp với tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley rằng xe tăng Abrams quá phức tạp và không phù hợp với khả năng kinh tế của Ukraine hiện tại.

Xe tăng Abrams từng tham chiến và tỏ ra không mấy hiệu quả trong tác chiến đô thị hoặc chiến tranh bất đối xứng tại Trung Đông. Ảnh: DefenseTalk

Nguy cơ lộ bí mật quân sự

Cần nhấn mạnh rằng, xe tăng Abrams hiện vẫn là phương tiện chiến đấu chủ lực nằm trong trang bị Quân đội Mỹ. Nó mang nhiều công nghệ liên quan tới khả năng bảo vệ, hệ thống thông tin liên lạc, khả năng cơ động mà Washington và Lầu Năm góc không hề muốn lọt vào tay nước Nga.

Nếu tham chiến tại Ukraine, đối thủ của xe tăng Abrams không phải là các quốc gia nhỏ yếu, mà là quân đội Nga vốn sở hữu đầy đủ các loại vũ khí đủ khả năng bắn hạ hoặc vô hiệu hóa xe tăng Mỹ.

Với một chiến trường da báo như Ukraine, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Thực tế đã chứng minh, Quân đội Nga từng mất phiên bản hiện đại hóa xe tăng T-90M trên chiến trường. Và điều gì xảy sẽ xảy ra nếu một xe tăng Abrams rơi vào tay quân đội Nga.

Nó sẽ được đưa về hậu phương mổ xẻ, nghiên cứu công nghệ để tìm cách khắc chế. Đặc biệt là những công nghệ liên quan tới hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống chỉ huy chiến trường hợp nhất vốn là tiêu chuẩn không chỉ của Quân đội Mỹ, mà còn phù hợp với hệ thống chiến đấu chung của NATO.

Xe tăng Abrams chứa nhiều bí mật quân sự mà Mỹ không hề mong muốn rơi vào tay các đối thủ. Ảnh: DefenseTalk

Không phải ngẫu nhiên, những xe tăng Abrams viện trợ cho Ukraine không lấy trực tiếp từ kho dự trữ của Quân đội Mỹ, mà là thông qua hợp đồng riêng với nhà thầu quân sự. Lầu năm góc chắc chắn đã phải tính tới kịch bản lộ lọt bí mật quân sự trong tình huống xấu nhất. Việc này cũng ảnh hưởng khá nhiều tới tiến độ bàn giao xe cho phía Ukraine.

Mỹ không muốn là quốc gia đầu tiên cung cấp MBT cho Ukraine

Từ khi xảy ra xung đột quân sự Nga – Ukraine, giữa Mỹ và Đức, luôn tồn tại những bất đồng về vấn đề viện trợ cho Ukraine. Washington đã nhiều lần thúc giục Đức viện trợ xe tăng Leopard-2 cho Ukraine, nhưng phía Đức lại muốn Mỹ tiên phong trong việc viện trợ xe tăng Ukraine.

Mỹ khuyến khích các đồng minh cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, nhưng lại không đi đầu trong việc cung cấp xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất với lý do dòng xe tăng này vận hành phức tạp, sử dụng tốn kém.

Truyền thông Mỹ dẫn lời ông Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Washington đánh giá, một số nhân vật trong chính quyền Tổng thống Joe Biden không tán thành việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Mỹ cho Ukraine do lo ngại hành động này sẽ khiến Nga trả đũa.

Tại Ukraine, xe tăng Abrams sẽ phải đối đầu với khí chống tăng hiện đại của Quân đội Nga và khả năng sống sót là không cao.

Về vấn đề này, chuyên gia Alexander Bartosh, thành viên của Học viện Khoa học Quân sự Nga, nhận định, Mỹ muốn các nước châu Âu gửi xe tăng đến chiến trường Ukraine nhằm tiêu hao kho vũ khí của châu Âu, đặc biệt khi đối đầu với Nga, xe tăng Leopard-2 của châu Âu khó có khả năng giành phần thắng. Thực tế này sẽ làm gia tăng giá trị của xe tăng Mỹ trên thị trường vũ khí quốc tế và khả năng xuất khẩu chúng cho các quân đội các quốc gia châu Âu.

Như vậy, rất khó có khả năng xe tăng Abrams sớm xuất hiện tại Ukraine trong tương lai gần, thậm chí cho tới khi cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này kết thúc.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-xe-tang-m1-abrams-cua-my-se-khong-som-xuat-hien-tai-ukraine-717673