Tại sao trận động đất ở Morocco lại gây ra nhiều thiệt hại đến vậy?

Một trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra ở Morocco vào tối thứ Sáu (8/9) đã tàn phá nghiêm trọng nhiều khu vực của đất nước này, trong đó có thành phố lịch sử Marrakech và làm chết ít nhất 2000 người và khiến hơn 2000 người khác bị thương.

Đài truyền hình nhà nước Al Aoula dẫn nguồn tin từ Bộ Nội Vụ Morocco cho biết ít nhất 2.012 người đã thiệt mạng và 1.404 người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Số thương vong dự kiến sẽ tăng lên khi việc tìm kiếm những người mất tích vẫn tiếp tục và lực lượng cứu hộ đã đến được những khu vực hẻo lánh ở vùng núi Atlas.

 Một nạn nhân nhỏ tuổi được đưa ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Morocco. Ảnh: NYT

Một nạn nhân nhỏ tuổi được đưa ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Morocco. Ảnh: NYT

Các dịch vụ khẩn cấp đã được triển khai đến các khu vực bị động đất, khi Vua Mohammed VI của Morocco ra lệnh thành lập một ủy ban cứu trợ để phân phối viện trợ cho những người sống sót. Hàng chục quốc gia đã cung cấp nhân lực, thiết bị và các hỗ trợ khác cho Morocco, nhưng tính đến sáng Chủ nhật, vương quốc này mới chỉ tiếp nhận nhân viên cứu hộ đến từ Tây Ban Nha và Qatar.

Nguy hiểm hơn vì động đất nông

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra lúc 23h11 giờ địa phương có cường độ 6,8 độ richter và một cơn dư chấn mạnh 4,9 độ richter đã làm rung chuyển khu vực chỉ 19 phút sau đó.

Tâm chấn của trận động đất là thị trấn Ighil, cách Marrakech khoảng 70 km về phía tây nam. USGS báo cáo rằng tâm chấn nằm cách mặt đất khoảng 18,5 km, mặc dù cơ quan địa chấn của Morocco xác định độ sâu là 11 km nhưng nó vẫn được xem là một trận động đất khá nông.

 Tâm chấn của trận động đất (chấm đỏ) cách Marrakech khoảng 70 km. Ảnh: USGS

Tâm chấn của trận động đất (chấm đỏ) cách Marrakech khoảng 70 km. Ảnh: USGS

Theo USGS, những trận động đất như vậy thường nguy hiểm hơn những trận động đất xảy ra sâu hơn. Các chuyên gia cũng cho biết, động đất vốn không phổ biến ở Bắc Phi, với tỷ lệ địa chấn tương đối thấp dọc theo rìa phía bắc của lục địa châu Phi.

Lahcen Mhanni - Trưởng phòng Giám sát và Cảnh báo địa chấn tại Viện Vật lý Địa cầu Quốc gia Morocco, nói với 2M TV rằng trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở vùng núi. Điều này có nghĩa là không giống như những khu vực thường xuyên đối mặt với động đất, Morocco không được chuẩn bị cho một thảm họa như vậy.

Trong khi trận động đất năm 1960 khiến hàng ngàn người thiệt mạng đã dẫn đến những thay đổi trong quy định xây dựng, thì hầu hết các tòa nhà ở Morocco, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và thành phố cổ, không được xây dựng để chịu được những cơn chấn động mạnh.

 Bản đồ các mảng kiến tạo chính trên hành tinh. Trận động đất xảy ra cách điểm giao nhau của mảng châu Phi và mảng Á-Âu khoảng 500 km. Ảnh: Wikimedia Commons

Bản đồ các mảng kiến tạo chính trên hành tinh. Trận động đất xảy ra cách điểm giao nhau của mảng châu Phi và mảng Á-Âu khoảng 500 km. Ảnh: Wikimedia Commons

Ở Marrakech - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nhiều ngôi nhà trong thành phố cổ đông đúc đã bị sập. Đoạn video về bức tường thành thời Trung cổ cho thấy những vết nứt lớn và những phần đã bong ra. Hiện các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người dưới đống đổ nát. Nhiều người tiếp tục ở ngoài trời vì lo sợ một trận động đất khác.

Những ngôi làng như Asni nằm trên dãy núi Atlas, khiến việc tiếp cận họ trở thành một vấn đề lớn đối với chính quyền và các đội cứu hộ, nhất là khi đường xá cũng hư hỏng nặng vì động đất. Đó là lý do hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở các khu vực miền núi gần tâm chấn.

Một quan chức Bộ Nội vụ Morocco nói với báo Wall Street Journal rằng ít nhất ba ngôi làng gần tâm chấn trận động đất hoàn toàn không thể liên lạc được. Ông này cho biết thêm, nhà chức trách đang cố gắng đưa máy móc hạng nặng đến để tạo đường đi vào và bắt đầu nỗ lực cứu hộ.

Tại sao trận động đất Morocco xảy ra?

Mặc dù tỷ lệ địa chấn thực sự thấp hơn trong khu vực, khiến động đất hiếm hơn nhưng chúng không hoàn toàn chưa từng xảy ra. Theo USGS, “các trận động đất có sức tàn phá lớn từng được ghi nhận và báo cáo tại Morocco, ở khu vực phía tây Địa Trung Hải”.

Những trận động đất như vậy xảy ra do “sự hội tụ về phía bắc của mảng châu Phi so với mảng Á-Âu dọc theo ranh giới mảng phức tạp”. Liên quan đến trận động đất ngày 8/9 vừa qua, USGS cho rằng đó là do “đứt gãy ngược xiên ở độ sâu nông trong dãy núi High Atlas của Morocco”.

Đứt gãy là vết nứt hoặc vùng nứt giữa hai khối đá trong các mảng kiến tạo. Các đứt gãy cho phép các khối đá chuyển động ngược chiều nhau, và nếu chuyển động diễn ra nhanh sẽ gây ra động đất. Trong một trận động đất, phần đá ở một phía của đứt gãy đột nhiên trượt đi so với phía bên kia”.

 Mô tả sự chuyển động của các khối đá dưới lòng đất xảy ra theo hai hướng. Chuyển động ngang dọc theo mặt phẳng trượt và chuyển động thẳng đứng dọc theo mặt phẳng nghiêng. Ảnh: Wikimedia Commons

Mô tả sự chuyển động của các khối đá dưới lòng đất xảy ra theo hai hướng. Chuyển động ngang dọc theo mặt phẳng trượt và chuyển động thẳng đứng dọc theo mặt phẳng nghiêng. Ảnh: Wikimedia Commons

Các nhà khoa học sử dụng góc của đứt gãy so với bề mặt (được gọi là độ dốc) và hướng trượt dọc theo đứt gãy để phân loại các đứt gãy. Các đứt gãy di chuyển dọc theo hướng của mặt phẳng là các đứt gãy trượt dốc, trong khi các đứt gãy di chuyển theo phương ngang được gọi là các đứt gãy trượt ngang như ảnh minh họa ở trên.

Theo giáo sư David Rothery, chuyên gia về Khoa học Địa chất tại Open University (Anh), trận động đất này không phải là điều bất ngờ dù không thường xuyên: "Về mặt địa chất, không có gì đáng ngạc nhiên với một trận động đất như thế này, nó chỉ rất hiếm khi xảy ra".

Các mảng châu Phi và châu Âu đang va chạm nhau và dãy núi High Atlas được nâng lên nhờ vụ va chạm này. Vì vậy, có một số chuyển động của mặt đất bên dưới những ngọn núi đó và đó chính xác là những gì đã xảy ra đêm 8/9”, giáo sư Rothery giải thích thêm.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-tran-dong-dat-o-morocco-lai-gay-ra-nhieu-thiet-hai-den-vay-post264063.html