Tại sao phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh con?

Phụ nữ Hàn Quốc ngày càng hướng đến sự nghiệp và phản đối một xã hội hầu như do nam giới làm chủ, được cho là nguyên nhân chính khiến số lượng trẻ em được sinh ra năm ngoái ở xứ Kim chi thấp kỷ lục.

Khi còn trẻ, Hyobin Lee khao khát được làm mẹ. Tuy nhiên khi đến độ tuổi thích hợp cho khao khát ấy, cô lại cảm thấy khó khăn khi đưa ra quyết định. Cuối cùng, cô đã chọn sự nghiệp thay vì lập gia đình, và hiện cô là một học giả thành đạt ở thành phố Daejeon của Hàn Quốc.

Lee, hiện 44 tuổi, là một trong hàng triệu phụ nữ Hàn Quốc đang đưa ra quyết định không sinh con, dẫn đến tỷ lệ sinh của quốc gia này giảm xuống mức thấp kỷ lục mới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Chính phủ Hàn Quốc công bố hôm thứ Tư (28/2), tỷ lệ sinh – số ca sinh trung bình trên mỗi phụ nữ – đã giảm xuống 0,72 vào năm ngoái từ mức 0,78 của năm trước. Kể từ năm 2015, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đã chứng kiến xu hướng tiếp tục giảm dần hàng năm.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số Hàn Quốc. Với chỉ 230.000 trẻ em sinh ra vào năm ngoái, tổng dân số Hàn Quốc đang trên đà giảm xuống còn khoảng 26 triệu - một nửa tổng dân số hiện nay - vào năm 2100.

 Khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội của quốc gia. Ảnh: AFP

Khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội của quốc gia. Ảnh: AFP

Áp lực phải có sự nghiệp thành công

"Khi còn trẻ, tôi mơ ước có một đứa con trai", Lee chia sẻ. "Tôi muốn chơi với con, cùng đọc sách và cho con thấy nhiều điều về thế giới. Nhưng tôi nhận ra rằng thực tế không đơn giản như vậy".

"Tôi chọn không sinh con vì sự nghiệp của mình", cô nói. "Việc có con và nuôi con sẽ gây khó khăn cho sự nghiệp của tôi. Tôi sợ vì lý do đó mà tôi sẽ oán giận đứa trẻ, hậu quả là cả tôi và con đều sẽ không hạnh phúc".

Theo Lee, sự nghiệp thành công trong xã hội nam quyền ở Hàn Quốc là một lý do khiến nhiều phụ nữ đưa ra quyết định không sinh con, nhưng bên cạnh đó còn nhiều lý do khác.

"Các vấn đề kinh tế đóng vai trò quan trọng. Mặc dù có nhiều chính sách sinh con khác nhau được thiết kế để hỗ trợ phụ nữ, nhưng các biện pháp này vẫn không phát huy như dự định", Lee nói.

Ví dụ, chế độ nghỉ phép của cha mẹ, theo luật, được áp dụng cho cả nam giới và phụ nữ, nhưng chủ yếu chỉ có phụ nữ sử dụng. Chỉ 1,3% nam giới Hàn Quốc sử dụng quyền nghỉ phép của cha mẹ, so với mức trung bình 43,4% ở 38 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Điều này có nghĩa là các công ty Hàn Quốc không muốn tuyển dụng một phụ nữ trẻ vào làm việc. Các công ty này lo rằng sẽ mất công đào tạo nữ nhân viên mới, sau đó cô ấy sẽ rời đi vì mang thai và tập trung làm mẹ toàn thời gian thay vì quay lại làm việc.

Ngoài ra, Jungmin Kwon, phó giáo sư tại Đại học bang Portland ở Oregon, chuyên về văn hóa đại chúng Đông Á, chỉ ra rằng khi nhận thức về bình đẳng giới trở nên rõ ràng hơn, phụ nữ có nhiều khả năng kinh tế cũng như sự lựa chọn trong nghề nghiệp hơn trước. Họ đang ngày càng có khả năng sống tự lập mà không phụ thuộc vào đàn ông.

"Nhiều phụ nữ chọn không những không sinh con mà còn không kết hôn, vì không muốn bó buộc cuộc sống của mình", bà Kwon cho biết.

Gánh nặng sinh và chăm con

"Ở Hàn Quốc, vẫn còn một nền văn hóa phổ biến tin rằng toàn bộ việc sinh con và chăm con là trách nhiệm của phụ nữ", Lee nói thêm. "Thách thức trong việc vừa phải sinh con vừa phải chăm sóc con cái khó khăn đến mức nhiều phụ nữ quyết định không sinh con. Điều này cũng xảy ra với tôi".

Kwon đồng ý rằng áp lực của xã hội Hàn Quốc có thể rất ngột ngạt. "Theo nhiều nghiên cứu, các yếu tố quan trọng bao gồm chi phí và công sức liên quan đến việc chăm sóc trẻ", bà nói.

"Hàn Quốc nổi tiếng với thị trường giáo dục tư nhân rộng lớn. Cha mẹ thường sẽ chi rất nhiều tiền cho các chương trình giáo dục tư nhân khác nhau từ khi con còn nhỏ để cạnh tranh với những đứa trẻ khác".

"Quan trọng hơn, trong nền văn hóa gia trưởng hiện nay, nơi phụ nữ phải chịu phần lớn sức lực tinh thần và thể chất cần thiết để nuôi dạy con cái, sinh con và chăm sóc con cái là những lựa chọn đầy thách thức đối với phụ nữ", bà Kwon cho biết và chỉ ra rằng số liệu thống kê cho thấy phụ nữ phải làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều gấp 5 lần nam giới.

Lee chỉ ra rằng những nỗ lực tích cực của Chính phủ Hàn Quốc gần đây nhằm tăng tỷ lệ sinh - bao gồm các phúc lợi bổ sung cho các gia đình có nhiều con và hỗ trợ cho các gia đình đơn thân - rõ ràng đã thất bại trong việc xoay chuyển tình thế.

Triển vọng tỷ lệ sinh ảm đạm

Cả Lee và Kwon đều bi quan rằng cuộc khủng hoảng dân số ở Hàn Quốc có thể tồi tệ hơn nữa. Lee nói rằng phụ nữ trẻ dường như không quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của quốc gia.

Theo Lee, các vấn đề về tỷ lệ sinh và áp lực xã hội mà vấn đề này gây ra không phải mối quan tâm của nữ giới trẻ hiện nay. "Chủ nghĩa cá nhân thịnh hành của thế hệ trẻ khó có thể khiến cải thiện tỷ lệ sinh", Lee nhận định.

Đồng quan điểm, Kwon đánh giá: "Phụ nữ trẻ ngày nay có những quan điểm khác nhau về gia đình, hôn nhân, sinh con, cộng đồng và quốc gia so với các thế hệ trước. Họ ít bị ràng buộc bởi 'nghĩa vụ trở thành phụ nữ' do các quốc gia, xã hội và hộ gia đình áp đặt".

"Thật bi quan khi nghĩ rằng phụ nữ sẽ sinh con để tăng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc", Kwon đưa ra nhận xét.

Hoài Phương (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-phu-nu-han-quoc-khong-muon-sinh-con-post286463.html