Tại sao nhà đầu tư giỏi hoan nghênh những ý kiến đối lập

Bạn có đủ linh hoạt để thay đổi cách tiếp cận của mình không, hay tâm trí của bạn bị khóa chặt vào một niềm tin nào đó?

 Tác giả Anthony Robbins. Ảnh: Tony Robbins.

Tác giả Anthony Robbins. Ảnh: Tony Robbins.

Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 giữa Donald Trump và Hillary Clinton, có thể bạn bỗng thấy đôi khi mình có những “cuộc tranh luận chính trị” sôi nổi với bạn bè. Nhưng bạn đã bao giờ cảm thấy đó không hoàn toàn là một cuộc tranh luận mà thật ra mọi người đều đã đưa ra quyết định trong đầu họ rồi không? Những người yêu Trump và ghét Hillary, hoặc ngược lại, cảm thấy có niềm tin mạnh mẽ đến mức dường như không gì có thể thay đổi ý kiến của họ!

Điều này được phóng đại hơn bởi cách chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông ngày nay. Nhiều người có khuynh hướng chọn những kênh truyền hình ủng hộ một quan điểm nào đó, chẳng hạn như MSNBC hoặc Fox News; và tin tức chúng ta đọc được sàng lọc nhiều hơn bao giờ hết bởi Facebook và các tổ chức khác. Kết quả là gì? Dường như mỗi người đang ở trong một căn phòng vọng âm, rất khó nghe được gì khác ngoài tiếng nói của những người có cùng quan điểm với mình.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho chúng ta một ví dụ hoàn hảo về “thiên kiến xác nhận”, tức là khuynh hướng tìm kiếm và coi trọng những thông tin xác nhận định kiến và niềm tin của chính mình. Khuynh hướng này cũng khiến chúng ta tránh né, đánh giá thấp hoặc gạt bỏ bất kỳ thông tin nào mâu thuẫn với niềm tin của bản thân.

Đối với các nhà đầu tư, thiên kiến xác nhận là một khuynh hướng rất nguy hiểm.

Giả sử bạn yêu thích một cổ phiếu hoặc một quỹ nào đó có hiệu quả đầu tư cực tốt trong danh mục của bạn trong năm qua. Bộ não của bạn có khuynh hướng tìm kiếm và tin vào những thông tin ủng hộ quyết định của bạn trong việc sở hữu cổ phiếu hoặc quỹ đó. Dù sao thì tâm trí của chúng ta cũng rất thích bằng chứng - đặc biệt là bằng chứng về việc chúng ta đã thành công, thông minh và đúng đắn như thế nào!

Các nhà đầu tư thường đọc các bản tin và các thông báo củng cố niềm tin của họ về những cổ phiếu mà họ đang sở hữu. Hoặc họ bơm thêm sự quyết đoán của mình bằng cách đọc các bài phân tích tích cực về lĩnh vực tăng trưởng nóng đang mang lại cho họ những khoản lợi nhuận lớn. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tình hình thay đổi và những cổ phiếu hoặc lĩnh vực có mức tăng trưởng nhanh đó bắt đầu sụp đổ? Chúng ta sẵn sàng đến mức nào trong việc thay đổi quan điểm và thừa nhận mình đã sai lầm?

Bạn có đủ linh hoạt để thay đổi cách tiếp cận của mình không, hay tâm trí của bạn bị khóa chặt vào một niềm tin nào đó?

Peter Mallouk đã chứng kiến hiện tượng này ở một khách hàng mới của anh, người từng kiếm được cả gia tài nhờ đầu tư vào cổ phiếu công nghệ sinh học, một sản phẩm có giá tăng vọt với tốc độ siêu tên lửa trong hơn một thập niên. Vị khách hàng đó từng đầu tư gần 10 triệu đôla cho đúng một loại cổ phiếu này. Peter và đội ngũ của anh tại Creative Planning đã vạch ra một kế hoạch hiệu quả để đa dạng hóa đầu tư cho vị khách hàng này, nhằm giúp cô ấy giảm rủi ro khi dồn hết tài sản vào một loại cổ phiếu. Ban đầu, cô ấy đồng ý nhưng sau đó lại đổi ý với lý do cô ấy “biết rõ” loại cổ phiếu yêu quý của mình và “hiểu” tại sao nó sẽ tiếp tục tăng nữa. Cô ấy nói với Peter: “Tôi không quan tâm đến những gì anh nói. Cổ phiếu này là thứ đã đưa tôi đến đây đấy!”.

Trong bốn tháng tiếp theo, nhóm của Peter cố gắng thuyết phục vị khách hàng này bắt đầu quá trình đa dạng hóa đầu tư. Nhưng cô ấy vẫn không đồng ý. Trong giai đoạn đó, giá cổ phiếu công nghệ sinh học giảm một nửa, khiến cô mất 5 triệu đôla. Cô ấy buồn đến mức quyết định đầu tư thêm vào đó và khăng khăng đợi nó tăng giá trở lại. Nhưng cổ phiếu đó đã không hồi phục. Nếu cô ấy nghe theo lời khuyên được cân nhắc kỹ lưỡng của Peter và đội ngũ của anh, mặc dù nó mâu thuẫn với niềm tin của cô, có lẽ giờ đây cô ấy đã đi đúng hướng trên hành trình đạt được tự do tài chính toàn diện.

Trên thực tế, đây cũng là ví dụ về một khuynh hướng cảm xúc khác, đó là “hiệu ứng sở hữu”. Theo hiệu ứng này, các nhà đầu tư có khuynh hướng định giá cao thứ mà họ sở hữu, bất kể giá trị khách quan của nó! Điều này khiến họ khó phân bổ đầu tư và mua một sản phẩm giá trị hơn. Thật ra, chỉ tập trung vào một khoản đầu tư không bao giờ là một quyết định khôn ngoan. Như người ta hay nói, yêu là mù quáng! Hãy tỉnh táo để vững bước trên hành trình tài chính của mình.

Anthony Robbins/NXB Dân trí & FirstNews Trí Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-nha-dau-tu-gioi-hoan-nghenh-nhung-y-kien-doi-lap-post1407124.html