Tại sao Nga chưa bao giờ trở thành siêu cường tàu sân bay?

Mặc dù là quốc gia có lãnh thổ rộng lớn nhất trên thế giới, nhưng do vị trí địa lý đặc biệt, nên các đời lãnh đạo Liên Xô trước kia và Nga hiện nay, tập trung xây dựng lực lượng trên bộ, thay vì phát triển các hạm tàu sân bay lớn.

Trong suốt lịch sử hiện đại, Liên Xô/Nga luôn là một cường quốc trên bộ; các nhà lãnh đạo Liên Xô đã “vật lộn” với ý tưởng về tàu sân bay và cuối cùng đã giải quyết bằng một loạt các tàu sân bay lai (vừa là tàu sân bay, vừa là tuần dương hạm).

Các kế hoạch lớn về đóng mới các tàu sân bay như của Hải quân Mỹ đã chết, khi Liên Xô tan rã; nhưng Nga vẫn được thừa hưởng một tàu sân bay lớn và còn hoạt động cho đến ngày nay.

Trong quá khứ, Liên Xô đã có nhiều nỗ lực phát triển tàu sân bay từ rất sớm trong lịch sử; nhưng việc thiếu nguồn lực, kết hợp với vị trí địa lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh trên đất liền, khiến việc đầu tư nghiêm túc là không thể.

Trong Chiến tranh Lạnh, thành công đầu tiên của Hải quân Liên Xô là tàu sân bay trực thăng Moskva và Leningrad, một cặp tàu sân bay trực thăng được thiết kế chủ yếu cho chống ngầm. Những con tàu này, có lượng choán nước 17.000 tấn, và mỗi chiếc chở được 18 trực thăng.

Moskva đi vào hoạt động năm 1967, còn Leningrad vào năm 1969. Các tàu lớp Moskvas được kế tiếp bởi tàu tuần dương lớp Kiev, gần hơn với các tàu sân bay thực thụ. Với lượng giãn nước 45.000 tấn, bốn chiếc tàu lớp Kiev có thể mang theo 30 trực thăng và máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng Yak-38.

Những chiếc tàu này đã kết thúc sự nghiệp, khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, một số bị rã sắt vụn, một số được doanh nhân Trung Quốc mua về làm sòng bạc nổi; và một chiếc cuối cùng, được tân trang và bán cho Ấn Độ với tên gọi tàu sân bay INS Vikramaditya.

Trong thập niên 1980, Liên Xô đã đóng hai tàu sân bay thực sự đầu tiên, và một trong hai chiếc là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga hiện nay, và được đổi tên thành Đô đốc Kuznetsov. Chiếc còn lại bán cho Trung Quốc dưới dạng phế liệu, và Trung Quốc đã sửa chữa thành tàu Liêu Ninh.

Tàu sân bay Kuznetsov có trọng tải khoảng 60.000 tấn, có thể mang theo 40 trực thăng và 25 máy bay chiến đấu phản lực MiG-29K và Su-33. Giống như các tàu sân bay trước đây của Nga, Kuznetsov còn được trang bị tên lửa chống hạm hạng nặng, biến nó thành tàu sân bay có khả năng công-thủ toàn diện.

Tuy nhiên những sự cố xảy ra liên tiếp với tàu Kuznetsov trong quá trình hoạt động, nhất là các vấn đề nghiêm trọng với động cơ. Lý do bị đổ thiếu kinh phí duy trì hoạt động; nhưng theo phân tích, lý do chính là Hải quân Nga chưa có kinh nghiệm khai thác tàu sân bay.

Vào năm 2016, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã tham gia một số hoạt động chiến đấu trong hai tháng tại chiến trường Syria. Mặc dù thời gian tham chiến không lâu, nhưng Kuznetsov đã mất hai máy bay chiến đấu (một MiG-29K và một Su-33) do tai nạn.

Để hỗ trợ Kuznetsov, Nga đã cố gắng mua một cặp tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp; nhưng việc sáp nhập Crimea, đã buộc Pháp phải hủy hợp đồng. Nếu sở hữu được tàu đổ bộ của Pháp, sẽ mang lại cho hải quân Nga kinh nghiệm về sử dụng các tàu tương đối lớn, có công nghệ tiên tiến.

Nga có vị trí địa lý hàng hải, có thể nói là “chéo chân”, với bốn hạm đội hoạt động từ bốn biển, nhưng trên thực tế không có khả năng hỗ trợ lẫn nhau. Việc Hải quân Nga sử dụng hàng không mẫu hạm Kuznetsov, như một phương tiện để tạo ảnh hưởng và uy tín, nhiều hơn là khả năng chiến đấu.

Các nhà lãnh đạo Nga cho rằng, cùng với những tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân như Pyotr Velikiy và một số tàu chiến khác, Kuznetsov là biểu tượng sức mạnh có thể nhìn thấy của hải quân Nga, buộc các quốc gia khác phải chú ý đến lợi ích của Nga.

Liên Xô đã hủy bỏ nhiều dự án tàu sân bay vì không thống nhất được chiến lược phát triển; vào những năm 1970, Liên Xô đã cân nhắc việc đóng tàu sân bay hạt nhân lớp Orel 72.000 tấn, nhưng thay vào đó lại chọn lớp tàu Kiev và cuối cùng trở thành Kuznetsov.

Trước khi Liên Xô tan rã, sau nhiều tranh cãi, họ đã đặt đóng một tàu sân bay 80.000 tấn tên là Ulyanovsk vào năm 1988; nhưng con tàu chưa kịp hoàn thiện thì Chiến tranh Lạnh kết thúc và cũng sụp đổ theo Liên Xô và dự án chìm vào quên lãng.

Các nhà hoạch định chiến lược của Hải quân Nga sau này, cũng không thống nhất về dự án phát triển tàu sân bay. Có thời điểm, Tổng thống Dmitri Medvedev gợi ý rằng, Nga sẽ đóng và sử dụng 6 tàu sân bay vào năm 2025; rõ ràng, điều đó hoàn toàn không xảy ra.

Hiện tại Hải quân Nga có kế hoạch đóng tàu sân bay Project 23000E Shtorm, một siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân 100.000 tấn, sử dụng máy phóng điện từ (EMALS) và nhiều công nghệ hiện đại khác. Nhưng chắc chắn trong nhiều năm tới, Nga sẽ không đủ tiềm lực đóng con tàu như vậy.

Hiện sức mạnh không quân của hải quân Nga đang dần về số 0, khi tàu sân bay Kuznetsov đã cũ và trong tình trạng tồi tàn, thậm chí không có tàu sân bay nào sắp được đóng. Ngành công nghiệp đóng tàu Nga đã không đóng được một tàu chiến có kích thước và công nghệ như tàu Kuzentsov dưới thời Liên Xô.

Nếu Nga xác định rằng, họ cần một tàu sân bay để theo kịp với Pháp, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ, thì họ sẽ cần phải bắt đầu xem xét nghiêm túc cách đóng hoặc mua một con tàu như vậy.

Không thể tưởng tượng được rằng, Moscow có thể đặt mua một tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai; tuy nhiên đó là một sự đảo ngược sâu sắc, chạm đến lòng tự tôn của Nga. Nếu không, Nga cần sớm bắt đầu có một chiến lược nghiêm túc về xây dựng một hạm đội tàu sân bay. Nguồn ảnh: Pinterest,

Cận cảnh lớp tàu đổ bộ Mistral của Pháp Nga suýt mua thành công. Nguồn: Naval.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-nga-chua-bao-gio-tro-thanh-sieu-cuong-tau-san-bay-1551489.html