Tại sao Liên Xô thất bại trong việc xây dựng hạm đội tàu sân bay hạt nhân?

Liên Xô muốn có một hạm đội tàu sân bay hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vậy tại sao điều này không bao giờ xảy ra?

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô nắm giữ trong tay lực lượng hải quân lớn mạnh hàng đầu thế giới, tuy nhiên nước này chưa bao giờ chế tạo được một hạm đội tàu sân bay như Hải quân Mỹ.

Phần lớn các chiến hạm của Hải quân Liên Xô đều bị nhận xét kém tàu phương Tây, và trong suốt lịch sử của mình, Moskva chưa bao giờ có khả năng triển khai nhóm tác chiến “Nước xanh” thực sự.

Trong một nỗ lực để sửa chữa sự mất cân bằng đó, vào thập niên 1980, Moskva đã ra lệnh đóng một siêu tàu sân bay mới ngang tầm với những đối thủ tiềm tàng của mình, đó là Dự án 1153 Orel.

Với lượng choán nước 85 nghìn tấn, siêu tàu sân bay lớp Orel của Liên Xô sẽ lớn hơn hàng không mẫu hạm lớp Forrestal của Hải quân Mỹ, nhưng nó vẫn nhỏ hơn khi đặt cạnh lớp Nimitz đương thời .

Tàu chiến mới - ban đầu được đặt tên là Kremlin trước khi đổi tên thành Ulyanovsk - con tàu là đại diện cho một bước tiến lớn so với lớp Kuznetsov, vốn sử dụng động tác nhảy cầu để giúp máy bay cất cánh.

Chiếc Ulyanovsk sẽ được trang bị 2 máy phóng hơi nước, giúp máy bay cất cánh với tải trọng tối đa, nhưng vẫn giữ lại đường nhảy cầu để triển khai nhanh phi cơ. Ba thang máy, hai trong số đó ở mạn phải sẽ giúp đưa tiêm kích từ dưới boong lên sàn tàu.

Phi đội máy bay của tàu Ulyanovsk sẽ bao gồm 60 chiếc, là sự kết hợp giữa tiêm kích Su-33 và MiG-29K, đi kèm máy bay cảnh báo sớm Yak-44, trực thăng chống ngầm Ka-27PS và cả trực thăng cứu hộ trên biển loại Ka-32.

Siêu tàu sân bay của Hải quân Liên Xô cũng được trang bị hệ thống đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm 4 lò phản ứng KN-3 cung cấp nhiệt cho 4 turbine hơi nước và dẫn động nhiều trục với tổng công suất 280 nghìn mã lực.

Tốc độ tối đa của con tàu được ước tính là 30 hải lý/giờ trong điều kiện lý tưởng, tầm hoạt động về cơ bản là không giới hạn. Các lò phản ứng sẽ có tuổi thọ từ 20 đến 25 năm trước khi yêu cầu được tiếp nhiên liệu giữa vòng đời.

Cấu hình của tàu sân bay Ulyanovsk sẽ tương tự như lớp Nimitz của Hải quân Mỹ, nhưng nó được bổ sung hàng chục bệ phóng tên lửa chống hạm P-700 Granit, cùng với tổ hợp phòng không Shtil và pháo cao tốc AK-630 để giải quyết các mối đe dọa từ trên không.

Chiếc tàu sân bay này được chính thức đặt hàng vào ngày 11/6/1986, và chính thức làm lễ đặt ky đóng mới vào ngày 25/11/1988, tại nhà máy đóng tàu Nikolayev 444 ở bên bờ Biển Đen.

Ngày hạ thủy dự kiến của chiếc siêu hàng không mẫu hạm hạt nhân nói trên là vào năm 1995, nhưng sự tan rã của Liên Xô đã kết thúc chương trình khi Ulyanovsk mới chỉ hoàn thành được 20%.

Trong những ngày cuối cùng của thời kỳ Xô Viết, việc thiếu kinh phí, vật chất, và đáng chú ý là thiếu hỗ trợ chính trị đã cản trở việc tiếp tục công việc. Ngay cả trước khi Liên Xô chính thức giải thể, quá trình đóng mới đã bị dừng lại và tên của con tàu bị loại khỏi danh sách đăng ký hải quân.

Phần còn lại của con tàu đã được bán và tháo dỡ vào năm 1992 - cuối cùng đã kết thúc nỗ lực duy nhất của Hải quân Liên Xô trong việc chế tạo một siêu tàu sân bay.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tai-sao-lien-xo-that-bai-trong-viec-xay-dung-ham-doi-tau-san-bay-hat-nhan-post499527.antd