Tại sao hồ chứa nước ngọt đầu tư nhiều năm vẫn chưa tích nước?

Hồ Soài Chek và hồ Ô Thum thuộc xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang được đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng để tích nước ngọt cho vùng Tri Tôn, Tịnh Biên.

Tuy nhiên, dù đã khởi công cả chục năm nay nhưng hai hồ nước này vẫn còn ngổn ngang, trong khi nắng nóng, hạn hán đang đe dọa một vùng rộng lớn của huyện Tri Tôn và các huyện, thị lân cận. Hiện, hồ chứa nước đang được UBND huyện Tri Tôn tu sửa để kịp tích nước vào mùa mưa, phục vụ mùa khô 2024-2025.

Hồ Soài Chek đang được tu sửa để chuẩn bị tích nước vào mùa mưa. Ảnh: Hữu Tuấn

Chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân

Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ chứa nước Soài Check, là công trình thủy lợi cấp 4, diện tích 50,9ha, tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng thuộc chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu, hồ có dung tích 293.000m3. Hồ Ô Thum có sức chứa 270.000m3 nước, tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng (nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp).

Clip hồ chứa nước Soài Chek vẫn đang tu sửa chuẩn bị tích nước trong mùa khô.

Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại hồ Soài Chek, có chỗ đang tích nước, có chỗ đang tu sửa, thi công nhiều máy móc thiết bị, khoáng sản vẫn còn ngổn ngang trong lòng hồ. Hồ Ô Thum cũng có hoàn cảnh tương tự, nhếch nhác và nước đục do đang khai thác khoáng sản. Trong khi đó, những cánh đồng rộng lớn tại khu vực này đang khô hạn, cần nước để giao sạ.

Lòng hồ vẫn còn ngổn ngang nhiều thứ, UBND huyện Tri Tôn đang tu sửa để tăng thêm khả năng tích nước. Ảnh: Hữu Tuấn.

Năm 2018, UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định phê duyệt việc nộp tiền để cấp quyền khai thác khoáng sản, nạo vét dự án nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek và hồ Ô Thum.

Đơn vị khai khai thác khoáng sản hồ Soài Chek là Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hải Đến. Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm lần đầu là 72.600 đồng/m3. Lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 400.283m3.

Trong khi đó, hồ Ô Thum do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khai thác khoáng sản An Bình. Giá nộp tiền đối với khai thác cát là 112.500 đồng/m3, đối với đất là 84.700 đồng/m3. Tổng lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 371.962m3. Trong đó lượng cát là 260.373m3, lượng đất là 111.589m3.

Từ năm 2018 đến nay, số phận hai hồ chứa nước này vẫn chưa thể thực hiện đúng chức trách là hồ chứa và chỉ là mỏ khai thác khoáng sản của hai công ty kể trên.

Hồ Ô Thum, xã Ô Lâm cũng đang được thực hiện tu sửa như hồ Soài Chek. Ảnh: Hữu Tuấn.

Thời gian thu hồi khoáng sản hồ Soài Chek từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2020; nạo vét từ ngày 2/3/2019 đến 26/9/2021, với khối lượng nạo vét là 220.480m3. Hiện, khối lượng cát đã khai thác nhưng vẫn chưa vận chuyển đem đi là 38.798m3, còn cao lanh là 6.500m3.

Trong khi đó, hồ Ô Thum công suất được phép thu hồi 200.000m3/năm. Thời gian thu hồi khoáng sản 2 năm (từ tháng 12/2018 đến 12/2020). Thời gian thực hiện nạo vét từ tháng 2/2019 đến tháng 26/9/2021, với khối lượng nạo vét 300.000m3. Đến nay khối lượng cát đã khai thác còn lại ở bãi tập kết chưa vận chuyển đem đi là 6.000m3, cao lanh là 40.000m3.

Ông Nguyễn Văn Văn – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn cho biết, hồ chậm tiến độ là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó dịch bệnh Covid-19 cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, sự chủ quan của nhà thầu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ các hồ nước.

Lý giải việc khoáng sản còn nhiều trong hồ, ông Văn thông tin thêm, do nhà thầu không có bãi tập kết để chứa, khoáng sản chất lượng không tốt để sử dụng cho các công trình trọng điểm, nhà thầu chưa tìm được đối tác để bán nên số lượng cát và khoáng sản vẫn còn tồn động trong hồ. Giờ địa phương đang thực hiện các công đoạn tu sửa để hồ có dung tích chứa nước tốt nhất và đạt yêu cầu.

Khắc phục lòng hồ chuẩn bị tích nước

Trong một lần làm việc tại huyên Tri Tôn, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã kết luận việc thực hiện đầu tư nạo vét, nâng sức chứa 2 hồ Soài Chek và Ô Thum không đạt kế hoạch đề ra. Đồng thời, chỉ ra rằng các đơn vị thi công chỉ chú trọng vào việc tận thu vật liệu nạo vét, chưa quan tâm đến việc khắc phục các tồn tại trong quá trình nạo vét.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã yêu cầu địa phương không vận chuyển khoáng sản ra khỏi hồ, thực hiện nạo vét để tích nước. Ảnh: Hữu Tuấn.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng khẳng định, đối với đề nghị của địa phương tiếp tục vận chuyển vật liệu nạo vét ra khỏi khu vực hồ là không có cơ sở xem xét. Đồng thời, thống nhất theo đề nghị của các sở, ngành: không cho chủ trương gia hạn thời gian tiếp tục thực hiện nạo vét 2 hồ Soài Chek và hồ Ô Thum.

UBND huyện Tri Tôn chịu trách nhiệm khắc phục những tồn tại như: cải tạo lòng hồ (nạo vét bùn thải trong lòng hồ, xử lý các đập phân chia khu vực, gò đất, các gò nổi, hố sâu, vệ sinh lòng hồ...), duy tu đường vận hành và đập nhằm đảm bảo việc vận hành tích nước và khai thác nước trong hồ phục vụ sản xuất theo phương án kỹ thuật được phê duyệt, bà Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh.

Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị tiếp nhận quản lý 2 hồ chứa trên theo quy định tại Quyết định số 08/2023/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 thay cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang sau khi UBND huyện Tri Tôn hoàn thiện việc khắc phục các tồn tại.

Ông Nguyễn Văn Văn – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn cho biết, việc nâng cấp sức chứa nước tại hồ Soài Chek và Ô Thum là để phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tất cả hai dự án trên đều sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Địa phương đang cho sửa chữa, dọn dẹp lồng hồ để chuẩn bị tích trữ nước trong mùa mưa sắp tới, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn cát không được phép vận chuyển ra khỏi phạm vi hồ.

Hữu Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-sao-ho-chua-nuoc-ngot-dau-tu-nhieu-nam-van-chua-tich-nuoc.html