Tại sao hàng triệu người xuống đường biểu tình chống chủ nghĩa cực đoan ở Đức?

Ước tính có khoảng 1,4 triệu người đã biểu tình khắp các thị trấn và thành phố ở Đức vào cuối tuần vừa rồi, khi nước này bước vào tuần thứ hai của các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại chính sách cực đoan là trục xuất người di cư của đảng Sự thay thế cho nước Đức (AfD).

Các cuộc biểu tình bùng lên sau khi có báo cáo từ tổ chức báo chí điều tra Correctiv về một cuộc họp của những nhóm cực đoan cánh hữu ở Potsdam, tại đó các chính sách di cư bao gồm trục xuất hàng loạt người gốc nước ngoài đã được thảo luận. AfD, đảng đang đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò trên toàn nước Đức, đã phủ nhận các kế hoạch di cư là chính sách của họ.

Lượng người đi biểu tình ở Munich đông đến mức ban tổ chức phải sớm giải tán cuộc biểu tình vì lý do an toàn. Ảnh: DPA

Biểu tình trên khắp nước Đức và được chính quyền ủng hộ

Vào Chủ nhật, các cuộc biểu tình đã được tổ chức ở Berlin, Munich và Cologne, cũng như tại các thành trì bầu cử quan trọng của AfD ở miền đông nước Đức như Leipzig và Dresden.

Theo cảnh sát, những người tổ chức ở Munich đã kết thúc cuộc biểu tình sớm do quá đông người tham gia. Những người tổ chức biểu tình cho biết có 200.000 người đã tham dự. Cảnh sát cho biết khi bắt đầu sự kiện ở Berlin, có 30.000 người và con số này ngày càng tăng lên.

Hàng chục nghìn người cũng đã xuống đường ở Cologne và Bremen vào Chủ nhật. Các nhà tổ chức sự kiện ước tính khoảng hơn 1,4 triệu người đã biểu tình trên toàn quốc vào thứ Bảy.

Người biểu tình Steffi Kirschenmann, một trong số hàng chục nghìn người tụ tập ôn hòa ở nhiệt độ dưới 0 ở trung tâm Frankfurt, cho biết: “Đó là tín hiệu cho thế giới biết rằng chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra mà không bình luận về nó”.

Đám đông người biểu tình tòa nhà Reichstag, trụ sở của Hạ viện Đức, ở Berlin vào ngày 21 tháng 1 năm 2024. Ảnh: Reuters

Đoàn người biểu tình tại Cologne, Đức vào ngày 21 tháng 1 năm 2024. Ảnh: Reuters

Đoàn người biểu tình đứng chật kín ở một nhà ga tại Berlin. Ảnh: Reuters

Hàng chục nghìn người cũng biểu tình ở Frankfurt, Đức. Ảnh: Reuters

Thị trưởng Frankfurt, Mike Josef, phát biểu trước đám đông trên Quảng trường Roemer, nơi ông nhắc nhở những người biểu tình rằng đây cũng chính là nơi chế độ Đức Quốc xã đã đốt sách.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier coi các cuộc biểu tình khắp nước Đức chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu là dấu hiệu của sức mạnh. Trong một thông điệp video được phát vào Chủ nhật, ông nói: "Bạn đang đứng lên chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và chủ nghĩa sai lầm".

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói với một tờ báo địa phương rằng ông coi các cuộc biểu tình là một dấu hiệu đáng khích lệ. “Thật ấn tượng khi thấy nhiều người hiện đang xuống đường và treo cờ cho nền dân chủ của chúng ta”, chính trị gia Đảng Xanh nói với tờ Augsburger Allgemeine.

Hội đồng Trung ương của người Do Thái ở Đức cũng hoan nghênh các cuộc biểu tình. Truyền thông Đức cũng lên tiếng chống lại chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa cực đoan chính trị ở phe cánh hữu.

Tại sao nhiều người biểu tình đến thế?

Làn sóng chống lại đảng cực hữu được châm ngòi bởi một báo cáo ngày 10 tháng 1 từ tổ chức báo chí điều tra Correctiv, tiết lộ rằng các thành viên AfD đã gặp những nhóm cực đoan ở Potsdam vào tháng 11 để thảo luận về việc trục xuất người nhập cư và "những công dân không đồng hóa". Các thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), đảng đối lập chính hiện nay ở Đức, thậm chí được cho là cũng có mặt.

Những người tham gia cuộc họp đã thảo luận về "di cư", một thuật ngữ thường được sử dụng trong giới cực hữu như một cách nói giảm để chỉ việc trục xuất người nhập cư và người thiểu số.

Cảnh sát ước tính có 100.000 người bất chấp thời tiết mùa đông lạnh giá đã biểu tình ở trung tâm Berlin cho đến tận tối muộn Chủ nhật. Ảnh: AP

Tin tức về cuộc họp đã gây sốc cho nhiều người ở Đức, đặc biệt cộng đồng người nhập cư đông đảo ở quốc gia này, vào thời điểm AfD đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến trước ba cuộc bầu cử khu vực lớn ở miền đông nước Đức, nơi có sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của đảng này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã tham gia một cuộc biểu tình vào cuối tuần trước, cho biết bất kỳ kế hoạch trục xuất người nhập cư hoặc công dân nào cũng giống như "một cuộc tấn công chống lại nền dân chủ của chúng ta... nhằm vào tất cả chúng ta".

Đảng AfD xác nhận sự hiện diện của các thành viên tại cuộc họp nhưng khẳng định rằng các đề xuất di cư của họ, nằm trong tuyên ngôn bầu cử lần trước, không bao gồm các công dân Đức nhập tịch. Những bình luận này tại cuộc họp được đưa ra bởi một nhân vật cực hữu người Áo, Martin Sellner, người không phải là thành viên của đảng AfD.

Hoàng Hải (theo DPA, DW, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-hang-trieu-nguoi-xuong-duong-bieu-tinh-chong-chu-nghia-cuc-doan-o-duc-post281836.html