Tại sao căng thẳng Iran-Afghanistan bất ngờ lên đỉnh điểm?

Cuộc đụng độ ở khu vực biên giới hôm 27/5 nổ ra chỉ vài tuần sau khi Iran cảnh báo Taliban không vi phạm quyền đối với nguồn nước ở sông Helmand.

Các chiến binh Taliban ở khu vực gần biên giới với Iran. Ảnh: AFP

Căng thẳng giữa Afghanistan và Iran đã leo thang vào cuối tuần qua sau một cuộc đấu súng dữ dội gần một đồn biên phòng khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Cuộc đụng đột dường như bắt nguồn từ một tranh chấp căng thẳng về quyền của hai nước láng giềng đối với nguồn nước chung của họ.

Vào ngày 28/5, các thông tin cho thấy giao tranh giữa lực lượng bảo vệ biên giới Iran và Afghanistan đã giảm bớt, với việc cả hai bên tham gia vào đàm phán để xoa dịu căng thẳng. Sự kiện trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo Taliban không được vi phạm quyền về nguồn nước của Iran đối với sông Helmand chung của họ, như được quy định trong một hiệp ước song phương được ký kết vào năm 1973.

Sông Helmand, dài hơn 1.000 km và chảy từ Afghanistan vào các khu vực khô cằn phía Đông của Iran, là một vấn đề đáng lo ngại đối với Tehran vì quyết định của Kabul muốn xây dựng một con đập để tạo ra điện và tưới tiêu cho đất nông nghiệp.

Iran đã phải đối mặt với các vấn đề khan hiếm nước ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tình hình đã khiến nông dân Iran biểu tình vào năm 2021, khi ước tính 97% diện tích đất của nước này đang phải đối mặt với hạn hán ở một mức độ nào đó, theo Cơ quan Khí tượng Iran.

Vấn đề chia sẻ nguồn nước Helmand đã được thảo luận vào ngày 18/5 giữa quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi và người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian. Một lần nữa vào ngày 27/5, ông Muttaqi đã gặp Đại sứ Iran tại Kabul Hassan Kazemi Qom để thảo luận về quan hệ song phương, bao gồm cả các vấn đề về nước.

“Quyền Ngoại trưởng Muttaqi lưu ý rằng các vấn đề giữa hai bên có thể được giải quyết tốt hơn thông qua đối thoại và hiểu biết lẫn nhau”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan viết trên Twitter. Ông Muttaqi đã nói hồi đầu tuần trước rằng Taliban “vẫn cam kết” với hiệp ước năm 1973, đồng thời nói thêm rằng “không nên bỏ qua tình trạng hạn hán kéo dài ở Afghanistan và khu vực”.

Khi Afghanistan phải đối mặt với hạn hán năm thứ ba, quốc gia này xếp hạng thứ ba trong danh sách theo dõi tình trạng khẩn cấp năm 2023 do Ủy ban Cứu hộ Quốc tế ban hành, trong đó nêu rõ biến đổi khí hậu góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở nước này.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 22/5, ông Muttaqi nói: “Tôi kêu gọi Chính phủ Iran không chính trị hóa vấn đề nước sống còn này. Tốt nhất là chúng ta nên giải quyết những vấn đề như vậy thông qua hiểu biết và đối thoại trực tiếp thay vì đưa ra nhận xét trên các phương tiện truyền thông”.

“Trong hai năm qua, Afghanistan đã thực hiện các bước để giải quyết các vấn đề có thể kiểm soát được; tuy nhiên, sự bất khả kháng vượt quá khả năng của con người (do biến đổi khí hậu) phải được hiểu rõ và tìm ra giải pháp phù hợp”, ông Muttaqi lưu ý.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian trong cuộc gặp với người đồng cấp Afghanistan Amir Khan Muttaqi. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, căng thẳng giữa hai nước về chia sẻ nguồn nước đã lên đến đỉnh điểm. Các quan chức Taliban cáo buộc Iran nổ súng trước vào sáng 27/5 dọc theo biên giới tỉnh Nimroz của Afghanistan. “Tại Nimroz, lực lượng biên phòng Iran đã bắn về phía Afghanistan, và họ đã vấp phải phản ứng đáp trả”, Abdul Nafi Takor, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Afghanistan, cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào tối 27/5.

Về phần mình, Iran cáo buộc Taliban nổ súng trước, hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời Phó Cảnh sát trưởng nước này, Tướng Qasem Rezaei, lên án “vụ tấn công vô cớ” từ Afganistan. Theo IRNA, hai lính biên phòng Iran đã thiệt mạng trong khi hai dân thường bị thương trong cuộc đụng độ, đồng thời báo cáo rằng tình hình đã được kiểm soát vào tối cùng ngày.

Sự gia tăng căng thẳng giữa Afghanistan và Iran về quyền đối với nước diễn ra trong bối cảnh những bất đồng đang tích tụ giữa hai bên kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào năm 2021, bao gồm các cuộc đụng độ trước đó ở biên giới của họ và các báo cáo về việc ngược đãi người tị nạn Afghanistan.

Mặc dù Iran không chính thức công nhận chính quyền Taliban, nhưng nước này vẫn duy trì quan hệ với các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan. Trong nhiều thập kỷ, Iran đã tiếp nhận hàng triệu người Afghanistan sơ tán khỏi cuộc xung đột vũ trang ở đất nước bị chiến tranh tàn phá của họ và số lượng người Afghanistan sang Iran đã tăng lên kể từ năm 2021.

Gần 600.000 người mang hộ chiếu Afghanistan sống ở Iran và khoảng 780.000 người được đăng ký là người tị nạn, theo dữ liệu năm 2022 từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, trong khi 2,1 triệu người Afghanistan vẫn không có giấy tờ.

Căng thẳng liên quan đến người tị nạn cũng có nguy cơ bùng phát thành bạo lực nhiều lần, kể cả vào tháng 1 năm nay, khi có những thông tin được cho là sự ngược đãi lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến các quan chức Taliban bày tỏ quan ngại với Tehran về những khó khăn mà người tị nạn Afghanistan ở Iran phải đối mặt.

Mặc dù vậy, khi xung đột giữa các nước láng giềng bùng lên, Afghanistan có thể sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán, theo nhà phân tích người Afghanistan Torek Farhadi ở Geneva. “Taliban sẽ tránh đối đầu với Iran. Afghanistan rất mong manh sau 40 năm chiến tranh. Lịch sử đã cho thấy Afghanistan tốt hơn hết nên giải quyết các thách thức với các nước láng giềng thông qua đàm phán”, chuyên gia trên nêu quan điểm

Theo nhà phân tích Farhadi, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Afghanistan và Iran sẽ có tác động đối với khu vực, đồng thời cho biết thêm rằng vai trò địa chính trị và mối quan hệ của Trung Quốc với chính quyền Taliban cũng có thể phát huy tác dụng. Giống như Tehran, Bắc Kinh cũng chưa chính thức công nhận chính phủ Taliban. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đón tiếp các đại diện của Taliban và tham gia vào nhiều cuộc đàm phán, đồng thời vẫn mở đại sứ quán của mình ở Kabul.

Chuyên gia Farhadi nói: “Trung Quốc muốn có một Afghanistan an toàn để tiếp cận với các khoáng sản của Afghanistan và họ cũng muốn tiếp cận với dầu và khí đốt của Iran thông qua Afghanistan. Do đó, Trung Quốc sẽ không hài lòng với những diễn biến có thể ảnh hưởng đến sự ổn định mới hình thành ở Afghanistan (và) sẽ khuyên Taliban không nên leo thang xung đột vũ trang với Iran”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Arabnews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-sao-cang-thang-iranafghanistan-bat-ngo-len-dinh-diem-20230529231320627.htm