Tại sao Canada hạn chế sinh viên nước ngoài và ai sẽ bị ảnh hưởng?

Chính phủ Canada vừa công bố một chính sách mới nhằm hạn chế làn sóng du học sinh nước ngoài đang gia tăng quá mạnh vào nước này.

Hôm thứ Hai (22/1), Canada đã công bố một chính sách có hiệu lực trong 2 năm nhằm giới hạn du học sinh nước ngoài sau khi tốc độ người nhập cư tăng quá nhanh trong những năm gần đây, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở của nước này.

Theo dữ liệu của Chính phủ Canada, năm ngoái nước này đã cấp gần 1 triệu giấy phép du học, gấp khoảng 3 lần so với một thập kỷ trước. Chính sách mới sẽ cắt giảm 35% số giấy phép học tập được cấp trong năm 2024.

 Trung tâm thành phố Eastside của Vancouver, British Columbia, Canada. Ảnh: Reuters

Trung tâm thành phố Eastside của Vancouver, British Columbia, Canada. Ảnh: Reuters

Chính sách giới hạn du học sinh

Ông Marc Miller, Bộ trưởng Bộ Nhập cư, Tị nạn và Quốc tịch Canada, cho biết Chính phủ nước này sẽ giới hạn visa du học trong 2 năm tới. Điều này dự kiến sẽ giúp giảm lượng sinh viên quốc tế trong năm 2024 xuống còn 364.000 người.

Ngoài ra, các đề xuất mới trong chính sách sẽ giới hạn giấy phép làm việc sau đại học được cấp cho sinh viên nước ngoài, điều này có thể khuyến khích du học sinh về nước làm việc. Trước đây, các giấy phép này là một cách phổ biến để đảm bảo quyền thường trú.

Việc giới hạn visa du học sẽ chỉ áp dụng đối với sinh viên cao đẳng và đại học, không áp dụng với các trường hợp học thạc sĩ và tiến sĩ hoặc bậc học phổ thông. Những người theo học chương trình thạc sĩ hoặc sau tiến sĩ sẽ đủ điều kiện xin giấy phép làm việc 3 năm.

Ông Miller cho biết vợ/chồng của sinh viên quốc tế theo học các cấp học khác, bao gồm các chương trình đại học và cao đẳng, sẽ không còn đủ điều kiện được cấp giấy phép lao động nữa. Ông cho biết việc chấp nhận đơn xin giấy phép học tập mới vào năm 2025 sẽ được đánh giá lại vào cuối năm nay.

Các biện pháp mới dự kiến được thực hiện từ ngày 1/9 tới.

Tại sao Canada thu hút du học sinh?

Canada đã nổi lên như một điểm đến phổ biến đối với du học sinh quốc tế vì việc xin giấy phép làm việc sau khi kết thúc khóa học tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng sinh viên quốc tế đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng căn hộ cho thuê, đẩy giá thuê lên cao. Theo Cục Thống kê Canada (Statscan), vào tháng 12/2023, giá thuê trên toàn quốc đã tăng 7,7% so với một năm trước đó.

Cuộc khủng hoảng về nhà ở và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ đã khiến uy tín của Thủ tướng Justin Trudeau giảm sút trước cuộc bầu cử vào năm tới.

Ngoài cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà, Chính phủ Canada cũng lo ngại vấn đề một số cơ sở giáo dục không đáp ứng đủ chất lượng, nhưng lợi dụng chương trình sinh viên quốc tế để tăng tiếp nhận sinh viên và thu học phí cao trong khi còn hạn chế về nguồn lực và hạ tầng.

Ai sẽ bị ảnh hưởng?

Sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 16,4 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế Canada. Do đó, chính sách siết chặt dự kiến này sẽ gây thiệt hại cho nhiều cơ sở giáo dục vốn đã mở rộng cơ sở với hy vọng tiếp tục thu hút sinh viên.

Tại tỉnh bang Ontario, khu vực đông dân nhất và cũng có tỷ lệ du học sinh quốc tế lớn nhất, một số doanh nghiệp, bao gồm các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ, đã cảnh báo rằng việc giới hạn sinh viên nước ngoài sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động tạm thời.

Theo nguồn tin của Reuters, các nhà hàng trên khắp Canada đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động với gần 100.000 vị trí tuyển dụng. Sinh viên quốc tế chiếm 4,6% trong tổng số 1,1 triệu lao động trong ngành dịch vụ thực phẩm vào năm 2023.

Làn sóng du học sinh quốc tế tràn vào Canada cũng giúp các ngân hàng tại quốc gia này được hưởng lợi, vì mỗi sinh viên được yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đầu tư đảm bảo (GIC) trị giá hơn 20.000 CAD (gần 14.900 USD), điều kiện tiên quyết để sinh viên quốc tế trang trải chi phí sinh hoạt.

Theo số liệu chính thức từ năm 2022, đa số (khoảng 40%) du học sinh Canada đến từ Ấn Độ, 12% đến từ Trung Quốc. Số sinh viên Việt Nam khoảng hơn 16.000.

Trước thông báo về chính sách mới, Đại học Toronto tỏ ra hoan nghênh và cho biết sẽ làm việc với các cấp chính quyền về việc phân bổ giấy phép học tập. Trong một tuyên bố, họ cho rằng những thay đổi này "tập trung vào việc giải quyết các hành vi lạm dụng trong hệ thống của các tác nhân cụ thể, không nhằm tác động tiêu cực đến các trường đại học như Toronto".

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-canada-han-che-sinh-vien-nuoc-ngoai-va-ai-se-bi-anh-huong-post282060.html